Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm phòng, chống tấn công từ chối dịch vụ

Thứ hai, 23/05/2022

Bộ TT&TT vừa ra Quyết định 923/QĐ-BTTTT  ngày 20/05/2022 về việc ban hành“Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm phòng, chống tấn công từ chối dịch vụ (Anti-DDoS)”.

Anti-DDoS là sản phẩm an toàn, an ninh mạng thứ 9 được Bộ TT&TT đưa ra yêu cầu kỹ thuật cơ bản nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng trong nước và phục vụ hoạt động đánh giá, kiểm định sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin.

Theo quyết định mới ban hành, Bộ TT&TT khuyến nghị các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, phát triển, lựa chọn, sử dụng sản phẩm Anti-DDoS đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cơ bản theo 9 nhóm gồm: Yêu cầu về tài liệu, yêu cầu về quản trị hệ thống, yêu cầu về kiểm soát lỗi, yêu cầu về log, yêu cầu về hiệu năng xử lý, yêu cầu về khả năng bảo vệ, yêu cầu về cảnh báo, yêu cầu về giám sát và yêu cầu về tự động hóa.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm Anti-DDoS, Bộ TT&TT cũng hướng dẫn rõ các tiêu chí, điều kiện cần đáp ứng đối với mỗi nhóm yêu cầu. 

Cụ thể, với nhóm yêu cầu về hiệu năng xử lý, sản phẩm Anti-DDoS cần đảm bảo rằng độ trễ của gói tin được xử lý không vượt quá 3 ms; cho phép xử lý các cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán - DDoS băng thông tối thiểu 1Gbps/1 thiết bị; đảm bảo khả năng phát hiện và chặn lọc lưu lượng tấn công tối thiểu 80%; cùng khả năng bảo vệ lưu lượng sạch tối thiểu 85%...

Đối với nhóm yêu cầu về khả năng bảo vệ, theo khuyến nghị của Bộ TT&TT, sản phẩm Anti-DDoS phải đảm bảo dịch vụ của khách hàng vẫn hoạt động bình thường trước tối thiểu các loại tấn công DDoS: Tấn công làm tràn ngập băng thông, tấn công cạn kiệt tài nguyên qua giao thức TCP (giao thức điều khiển truyền nhận - PV), tấn công sử dụng gói tin không hợp lệ, tấn công gửi gói tin/yêu cầu với tần suất cao và đột ngột, tấn công qua phân tích hành vi người dùng, khả năng chặn lọc gói tin theo chính sách sử dụng ALC (ALC là danh sách kiểm soát truy cập – PV).

Về yêu cầu cảnh báo, sản phẩm Anti-DDoS cần cho phép cấu hình cảnh báo cho người dùng, bao gồm: Cho phép cấu hình nội dung gửi cảnh báo qua một trong các hình thức email/SMS/OTT; Cho phép cấu hình nhiều người nhận trong cùng một thời gian qua email hay SMS; Cho phép cấu hình chỉ gửi cảnh báo dựa trên các điều kiện mong muốn; Cho phép cấu hình cảnh báo riêng biệt theo các nhóm địa chỉ IP bảo vệ khác nhau; Cho phép cấu hình các ngưỡng phát hiện cảnh báo tấn công theo từng nhóm địa chỉ IP bảo vệ khác nhau.

Cùng với đó, Anti-DDoS cũng cần đáp ứng yêu cầu cho phép tự động cảnh báo tới người dùng theo thời gian thực đối với các loại sự kiện như: Cảnh báo khi có tấn công DDoS xảy ra, cảnh báo về tự động xử lý tấn công DDoS, cảnh báo khi tấn công DDoS kết thúc.

Bộ TT&TT giao Cục An toàn thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan hướng dẫn việc áp dụng các yêu cầu trong: “Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm Anti-DDoS”.

Thảo Vy

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4325162

Trực tuyến: 105

Hôm nay: 4267

Hôm qua: 7918