Chiều ngày 16/9, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam tổ chức hội thảo giao ban công tác quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình. Hội thảo được tổ chức thường niên nhằm đánh giá hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình; cập nhật các chính sách, việc thực thi pháp luật của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình; cung cấp số liệu và nhận định xu hướng thị trường… Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới.
Theo sách trắng Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam năm 2017 có khoảng 13,7 triệu thuê bao đến 12/2021 có khoảng 16,8 triệu thuê bao (trong đó: truyền hình cáp chiếm khoảng 84%, truyền hình số mặt đất 0,9%, truyền hình số vệ tinh 9,4%, truyền hình di động 2,8%, truyền hình trên Internet 2,9%).
Số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền hiện nay là 40 đơn vị (tăng 13 đơn vị so năm 2017). Số kênh truyền hình trong nước là 196 (trong đó số kênh truyền hình cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền là 83); Số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biện tập là 70 (tăng 9 kênh so năm 2017).
Tổng doanh thu từ thuê bao truyền hình trả tiền bình quân hàng năm đạt gần 8.000 tỷ đồng/năm. Tổng số lao động của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khoảng hơn 8.500 lao động.
Truyền hình trả tiền được Chính phủ, các Bộ ngành đặc biệt quan tâm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch 2 truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 và Nghị định 06/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Đa số các đơn vị làm trên lĩnh vực truyền hình trả tiền - viễn thông đều tiếp cận ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất của thế giới hiện nay như: Công nghệ mạng 1 GHz fiber deep, công nghệ GPON, v.v… cung cấp đa dịch vụ trên cùng một hạ tầng.
Nội dung chương trình phong phú, đa dạng, chuyên kênh, đặc sắc đáp ứng hầu hết tất cả nhu cầu về cập nhật thông tin tuyên truyền, thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, giải trí của nhân dân trên mọi vùng miền Tổ quốc.
An ninh, chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao tạo điều kiện cho người dân khả năng đầu tư, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, giải trí cao.
Năm nay, Hội thảo thông tin quy định quản lý phim tại Luật Điện ảnh, dự thảo quy định quản lý nội dung theo yêu cầu tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình; phát triển nội dung trên dịch vụ truyền hình trả tiền; giải pháp tăng trưởng cho dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam tổng kết công tác phối hợp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ra mắt Ban Chấp hành Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027.
ĐH
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?