Ngày 13/10/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1983/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành in Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chuyển đổi số ngành in Việt Nam nhằm mục tiêu đổi mới toàn diện hoạt động quản lý Nhà nước lĩnh vực in theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về Chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông; hỗ trợ các cơ sở in Chuyển đổi số thông qua các hoạt động cụ thể để có mô hình Chuyển đổi số thành công, cơ sở in thông minh, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, sử dụng các vật liệu in thân thiện với môi trường đồng thời ứng dụng Chuyển đổi số trong việc quản lý quy trình sản xuất, kiểm soát hiệu suất của thiết bị sản xuất và quản lý được lượng khí thải tạo ra từ quá trình sản xuất. Cụ thể như sau:
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động in - Ảnh: HH
Mục tiêu đến năm 2025
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước: 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. 100% hoạt động quản lý điều hành được thực hiện trên môi trường số. 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu báo cáo nghiệp vụ và báo cáo thống kê của các cơ sở in phục vụ sự chỉ đạo, điều hành được thực hiện trực tuyến. 20% hoạt động thanh tra, kiểm tra (chuyên ngành) thực hiện trên môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức họp qua các nền tảng số, đảm bảo tối thiểu 50% hội nghị, hội thảo chuyên đề thực hiện theo hình thức trực tuyến; 50% nội dung công tác đào tào, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được thực hiện trực tuyến.
Đối với cơ sở in: Ít nhất 35% sản phẩm in được giới thiệu và cho phép khách hàng có thể tiếp cận thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Ít nhất 30% khách hàng sử dụng phương thức thanh toán điện tử. Ít nhất 50% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với cơ sở in có kết nối mạng Internet). Ít nhất 30% cơ sở in có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 20%. Ít nhất 50% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).
Đối với các cơ sở đào tạo chuyên ngành: 100% các cơ sở giáo dục có tham gia đào tạo chuyên ngành công nghệ in hoặc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cập nhật các kiến thức, kỹ năng. 100% các cơ sở giáo dục có tham gia đào tạo chuyên ngành công nghệ in hoặc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cập nhật các kiến thức, kỹ năng ngành in cần phải xây dựng học liệu số để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trên môi trường số cho học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân kỹ thuật ngành in…Khuyến khích người đứng đầu cơ sở in có chứng chỉ bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số.
Mục tiêu đến năm 2030
Tiếp tục duy trì các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 và hướng đến đạt các mục tiêu cụ thể đến năm 2030.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước: Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động in được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin dữ liệu báo cáo điện tử, 100% hồ sơ công việc tại cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động in xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).
Đối với cơ sở in ít nhất 60% các dịch vụ giao dịch của cơ sở in với khách hàng đặt in, giao dịch thương mại có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, ít nhất 50% khách hàng sử dụng phương thức thanh toán điện tử, ít nhất 60% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; ít nhất 50% cơ sở in có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; ít nhất 80% hồ sơ công việc của cơ sở in được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).
Để thực hiện những mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là tuyên truyền thay đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số; Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành in và thực tế sản xuất; Chuyển đổi số trong hoạt động quản lý; Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất...và một số nhiệm vụ, giải pháp khác như: Tăng cường hợp tác, trao đổi và chia dẻ kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài về chuyển đổi số ngành in; tham gia tích cực vào các diễn đàn hợp tác song phương, đa phương trong khu vực và quốc tế về đổi mới sáng tạo; chủ trì, dẫn dắt triển khai một số sáng kiến về chuyển đổi số trong lĩnh vực in; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động in; Hằng năm, tổ chức Hội nghị kết nối cơ quan quản lý nhà nước – cơ sở in chuyển đổi số; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho các cơ sở in công nghệ số nhằm hỗ trợ chuyển đổi số chủ lực và cơ sở in thực hiện chuyển đổi số.
Huy Hoàng
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?