Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông (sáng 29/12), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc bày tỏ đồng tình cao với báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Vui mừng với những kết quả to lớn ngành thông tin và truyền thông đã đạt được trong năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ghi nhận các ý kiến, kiến nghị và yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu, nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực thông tin, truyền thông ngày một phát triển.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành cũng như các doanh nghiệp thông tin truyền thông, các cơ quan nhà nước và đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của bộ, qua đó ngành thông tin và truyền thông đã đạt được những thành tích cao, kết quả lớn.
Cụ thể là, trong xếp hạng Chính phủ điện tử, Việt Nam xếp hạng thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc sau 2 năm, đạt chỉ số phát triển cao so với 2022; là một trong 46 quốc gia thuộc nhóm 1 về an toàn thông tin, đứng thứ 17/193…
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng đạt nhiều kết quả quan trọng như: Tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 4 Nghị quyết, 6 nghị định, 8 quyết định và 2 chỉ thị; ban hành 27 thông tư. Đây là nền tảng pháp luật để ngành thông tin và truyền thông phát triển vững mạnh.
Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến đã đạt 45%, tăng 28% so với 2023. Đối với hạ tầng số, thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,8%; tỉ lệ gia đình sử dụng internet cáp quang băng thông rộng đạt 82,9%; việc đưa vào vận hành mạng 5G của Vinaphone, Viettel đã tạo ra sự đột phá trong việc cung cấp dịch vụ sử dụng internet; tỉ trọng kinh tế đạt 18,3%;….
Điểm ra một loạt số liệu, dẫn chứng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đây là những con số biết nói, chứng minh cho sự phát triển của lĩnh vực thông tin truyền thông của đất nước.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham quan triển lãm các sản phẩm, giải pháp của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT, bên lề hội nghị.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh thành tích đã đạt được chúng ta cũng cần nhìn nhận những thách thức và những khó khăn, hạn chế mà ngành đang đối mặt như: Công nghệ thay đổi rất nhanh chóng, đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật nhanh nhất, đặc biệt là cơ chế, chính sách sử dụng và phát huy nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh đó là vấn đề đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng trên môi trường mạng, môi trường số. Dẫn chứng từ vụ lừa đảo hơn 5200 tỷ của "Mr Pips" với hơn 2600 bị hại, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu phải luôn luôn đi trước, đón đầu về công nghệ, qua đó có các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn rủi ro, bảo vệ quyền lợi của người dân trên môi trường mạng.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế cũng dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, xử lý các bài toán có tính chất đa ngành; việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường tương lai về công nghệ thông tin, chíp, bán dẫn,… cũng là vấn đề đang đặt ra và ngành thông tin và truyền thông cũng cần phải phát huy vai trò "Tổng tham mưu trưởng" cho Chính phủ để quản lý hiệu quả lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc.
Đối với việc quản lý báo chí và thông tin trên mạng, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý phù hợp, đảm bảo "báo chí của chúng ta thực sự là báo chí cách mạng"; đồng thời phải có nhưng giải pháp hiệu quả cả về công nghệ và pháp lý để ngăn chặn thông tin xấu độc, thông tin bịa đặt trên các nền tảng số, nền tảng mạng xã hội.
"Không để những thông tin bịa đặt, thông tin xấu độc như đàn mối trong căn nhà gỗ, gặm nhấm dần niềm tin của người dân đối với chính quyền", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho Cổng TTĐT Chính phủ và các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông chính sách.
Phó Thủ tướng cũng nêu những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để triển khai hiệu quả các dự án, xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu tại các cơ quan hành chính nhà nước…
Theo ông, đây cũng là thách thức, bởi công nghệ thông tin, công nghệ số phát triển rất nhanh, nên các quy định về định mức, đơn giá "không theo kịp" với yêu cầu của thực tiễn.
Phó Thủ tướng lý giải, sản phẩm của công nghệ thông tin, công nghệ số làm ra là kết tinh của sự sáng tạo, tân tiến, không giống như những hoạt động thông thường như xây 1 căn nhà đã có định mức về nhân công, xi măng, sắt thép, vật liệu,… Do đó, cần phải thống nhất về nhận thức và có cở sở phù hợp để các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng đấu thầu, chỉ định thầu để tìm ra được những công nghệ tốt nhất, đưa vào sử dụng dài hạn.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Về nhiệm vụ trong năm 2025 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mong muốn ngành thông tin và truyền thông tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời tích cực đổi mới sáng tạo, khắc phục những hạn chế, thách thức; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, công nghiệp số, ứng dụng mạnh mẽ AI,… góp phần thực hiện mục tiêu đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Phó Thủ tướng nêu rõ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa khọc công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
"Đây là một mệnh lệnh. Trách nhiệm của chúng ta là phải tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả những nội dung trong nghị quyết để tạo ra sự đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong thời gian tới".
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị ngành thông tin và truyền thông tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, AI, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, điện toán đám mây… phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thông tin và truyền thông tập trung đấu tranh ngăn ngừa thông tin xấu độc từ nền tảng xuyên biên giới bằng công nghệ; phối hợp xử lý pháp luật các hành vi vi phạm; chống trục lợi, lừa đảo. Tăng cường điều tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông, trong đó hoàn thiện Luật Báo chí để báo chí phát triển, chuyển sang giai đoạn thông tin số.
Về công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hợp nhất thành Bộ Khoa học công nghệ và Truyền thông.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, hai bộ có một "mẫu số chung" đó là công nghệ, với "đôi cánh" là khoa học và truyền thông.
Việc hợp nhất tạo thành bộ mới để cộng hưởng nguồn lực, tạo nên sức mạnh mới, với sứ mệnh lớn hơn. Phó Thủ tướng tin tưởng với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của lãnh đạo 2 bộ thời gian qua, chắc chắn bộ mới sẽ mạnh hơn, sâu hơn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn trước.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tin tưởng ngành thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, thành quả đã đạt được; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý về phát triển công nghệ nói chung, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý công nghệ thông tin, công nghệ số là công nghệ cốt lõi, nền tảng cho tất cả ngành, lĩnh vực khác, công nghệ số là công nghệ năng động và quan trọng nhất hiện nay. Như vậy, công nghệ chính là điểm chung tạo ra hiệp lực, cộng lực và cộng hưởng của hai Bộ.
Phát triển công nghệ chủ yếu là doanh nghiệp, trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ số thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, nay sẽ tiếp cận được nhanh hơn với kết qủa nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ gần với doanh nghiệp, đưa nhanh hơn kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ ra sản phẩm phục vụ cuộc sống. Hai Bộ hợp nhất thành một Bộ mới rất quan trọng và rất lớn của đất nước.
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57 đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2024). Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phát phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
"Bộ mới hợp nhất – Bộ Khoa học công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa Nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Nghị quyết 57 xác định bộ ba: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc làm chủ khoa học công nghệ để làm chủ tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam, giao doanh nghiệp nòng cốt làm dự án lớn về chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng hai đích, vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước.
"Từ nay, chuyển đổi số thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Chúng ta kỳ vọng chuyển đổi số góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, mạnh mẽ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
* Tại hội nghị, Bộ TT&TT đã chính thức ra mắt mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc, đặt dấu mốc quan trọng trong việc phủ rộng, lan tỏa triển khai công tác truyền thông chính sách trên cả nước, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký quyết định tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho các cơ quan, đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện truyền thông chính sách.
Các tập thể nhận khen thưởng bao gồm: Ban Thời sự, VTV, Ban Văn hóa Xã hội, VOV; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Bộ Tài chính; Văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cục Phổ biến Giáo dục Pháp luật, Bộ Tư pháp; Cục Báo chí, Bộ TT&TT; các Sở TT&TT: TP. Hà Nội, TPHCM, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắc Nông, Cà Mau, TP. Hải Phòng.
(Theo baochinhphu.vn)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?