Chủ Nhật, 01/09/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Chuyển đổi số quốc gia - cơ hội và thách thức

Thứ hai, 13/09/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng trong giai đoạn 2021-2030 là “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Đồng thời nêu một trong các đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm
Sức mạnh Nhà nước số

Muốn thực hiện chuyển đổi số quốc gia, tất yếu phải xây dựng Nhà nước số nhằm kiến tạo, phục vụ kinh tế số, xã hội số. Quốc hội Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Quốc hội điện tử, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi phương thức làm việc, giao tiếp và kết nối, Quốc hội nước ta đã tiên phong, trở thành một trong số ít Quốc hội đầu tiên trên thế giới tổ chức họp trực tuyến.

Khi tới làm việc với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Quốc hội đang xây dựng Quốc hội điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội. Chính phủ đang xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội. Muốn thực hiện được điều này thì phải có các cơ sở dữ liệu lớn kết nối, liên thông với nhau”.
 
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vận hành hệ thống chia chọn bưu kiện tự động. Ảnh: TTXVN
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nói: "Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ là một xu thế tất yếu".

Đến nay, nước ta đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (big data) phục vụ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2015. Cổng dịch vụ công trực tuyến; các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; môi trường pháp lý; nền tảng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng đang ngày càng hoàn thiện, dần dần hình thành diện mạo của một Chính phủ số để phục vụ xã hội số, công dân số, doanh nghiệp số, kinh tế số.

Sức vươn xã hội số, kinh tế số

Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) được chọn là “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025”. Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu năm 2021 do Trung Quốc tổ chức cũng chọn chủ đề là “Số hóa mở ra tương lai, dịch vụ thúc đẩy phát triển”. Đại dịch Covid-19 được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ví như một chất xúc tác để đẩy nhanh tiến trình số hóa trên toàn thế giới. Mọi thực thể trong xã hội đều cần và phải tham gia vào tiến trình này, trong đó có cả các nghị viện, chính phủ, người dân và doanh nghiệp ở mỗi quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho rằng cần tận dụng cơ hội phòng, chống đại dịch Covid-19 để chuyển đổi số với trọng tâm là công nghệ số, kinh tế số để đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều điểm thuận lợi trong tiến trình số hóa nền kinh tế và xã hội, bởi nền tảng cực kỳ quan trọng để thúc đẩy số hóa là khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ, internet của người dân, doanh nghiệp. Theo công bố của trang datareportal.com, tính đến tháng 1-2021, dân số Việt Nam là 97,75 triệu người; số điện thoại thông minh được sử dụng là 154,4 triệu, chiếm tỷ lệ 157,9% dân số; 68,72 triệu người sử dụng internet, chiếm 70,3% dân số; 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 73,7% dân số. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách, người dân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển đổi rất mạnh mẽ trong phương thức sản xuất, kinh doanh, làm việc, học tập, mua sắm và giải trí.

Google, TEMASEK và BAIN & COMPANY vừa phối hợp công bố Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á. Theo đó, trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam cùng Indonesia là hai nước dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số ở khu vực, trung bình đạt khoảng 27%/năm. Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết các nước đều đạt mức tăng trưởng rất thấp, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế số rất cao là 16%, dẫn đầu khu vực ASEAN. Báo cáo này cũng đưa ra dự báo, trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam và Philippines sẽ là hai nước dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, lần lượt đạt trung bình năm là 29% và 30%. Tuy nhiên, khi ấy, Philippines ước đạt quy mô kinh tế số khoảng 28 tỷ USD, nhưng Việt Nam ước đạt tới 52 tỷ USD.

Tại Đại hội đồng AIPA-42 vừa qua, tất cả lãnh đạo nghị viện các nước trong khu vực đều đồng thuận trong đánh giá nguy cơ bất bình đẳng trong lĩnh vực số hóa và sự kéo giãn khoảng cách trong xã hội có thể sẽ ngày càng trầm trọng hơn do một bộ phận dân cư không hoặc khó có khả năng tiếp cận các sản phẩm số hóa. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi triển khai học trực tuyến, còn một bộ phận học sinh không thể tiếp cận phương pháp học này, hay một bộ phận dân cư trong các khu thực hiện giãn cách không thể thực hiện đặt nhu yếu phẩm trực tuyến do không có máy tính hoặc điện thoại kết nối internet. Người dân ở những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo cũng là nhóm đối tượng rất khó tiếp cận với dịch vụ số, công nghệ số. Bởi vậy, việc bảo đảm số hóa bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau là một nhiệm vụ rất khó, nhưng chúng ta sẽ phải thực hiện bằng được.  

Kinh tế số được hình thành dựa trên việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm tư liệu sản xuất chính, sử dụng môi trường số và nền tảng số làm không gian hoạt động chính. Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số. 

 (Theo qdnd.vn)

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?