Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Ứng dụng kỹ thuật gieo thẳng lúa

Thứ sáu, 23/02/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thâm canh lúa gieo thẳng là một tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sẽ đơn giản hóa việc gieo trồng lúa, giảm sức lao động và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sinh trưởng, năng suất và hiệu quả kinh tế tăng hơn so với lúa cấy.

1. Chuẩn bị ruộng gieo:

-Chọn cánh đồng chủ động tưới tiêu, cần quy hoạch gọn vùng và trong mỗi vùng nên dùng cùng một giống, tổ chức ngâm ủ và gieo tập trung để tiện cho việc tưới và tiêu nước, chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh…

-Làm đất kỹ, sạch cỏ dại, nhuyễn, phẳng.

-Bón đầy đủ và cân đối lượng phân lót trước khi bừa lần cuối.

-Để lắng bùn, tạo luống và vét rãnh xung quanh.

-Giữ nước trên ruộng đến khi gieo.

2. Ngâm ủ hạt giống:

-Xử lý hạt giống trước khi ngâm bằng nước muối 15% nhằm chọn ra 100% hạt chắc, loại bỏ hạt lép lửng và hạt cỏ dại.

-Trước khi ủ: Xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học để diệt các mầm bệnh và bọ trĩ gây hại thời kỳ đầu.

-Điều khiển sao cho mầm dài hơn rễ để khi gieo rễ bám ngay vào đất, bằng cách khi hạt nứt nanh đem trộn tro bếp (10kg thóc giống trộn với 0,3 -0,5 kg tro rơm, rạ) trong khoảng thời gian 10-15 phút sau đó rửa, đãi sạch và tiếp tục ủ sẽ kích thích mầm phát triển dài hơn rễ. Khi mầm dài bằng 1/3-1/2 hạt thóc thì đem gieo.

Lưu ý: Nếu gieo bằng giàn kéo tay không để màm quá dài, hạt giống sẽ không xuống được lỗ gieo, mầm quá ngắn, hạt giống xuống nhiều, mật độ dày mất công tỉa bỏ, tốn giống.

3. Gieo hạt:

a) Chuẩn bị trước khi gieo:

-Tháo cạn nước, tạo rãnh, lên xuống (nếu gieo bằng giàn lên luống rộng bằng chiều dài của giàn kéo tính từ tâm bánh nọ đến tâm bánh kia).

-Dũng cây chuối hoặc tấm ván trang lại mặt luống để tạo lớp bùn loãng trên mặt, đảm bảo khi gieo hạt giống chìm vừa phải.

Lượng hạt giống gieo:

-Nếu gieo bằng giàn kéo tay: Giàn gieo thường có 6 trống để đựng hạt giống, mỗi trống có 4 hàng lỗ (2 hàng lỗ mau gieo với mật độ 40kg/ha, hàng cách hàng 20cm. Tùy theo từng chân đất, giống, thời vụ mà gieo mật độ khác nhau.

+Đối với lúa thuần, đất vàn cao, đất xấu hoặc mộng mạ hơi dài thì gieo hàng lỗ mau với mật độ 40 kg/ha,

+Đối với lúa lai, với đất vàn, vàn thấp, đất tốt, hoặc mộng hơi ngắn thì gieo hàng thưa với mật đọ 30 kg/ha.

Đổ hạt vào trống: Mở nắp trống, chia đều lượng giống vào trong các trống (chỉ đổ đầy 2/3 trống và đóng nắp lại. Không được đổ đầy, hạt giống sẽ không xuống được.

– Gieo hạt.

+ Đưa giàn gieo vào vị trí gieo, kéo thẳng theo chiều mũi tên trên nắp trống, khi tới đầu bờ nhắc giàn gieo lên và đặt một bánh ở lần kéo sau trùng với bánh ở lần kéo trước rồi tiếp tục kéo, cứ như vậy đến khi gieo hết ruộng.

+ Trước khi kéo phải đẩy lùi giàn gieo về phía sau để hạt giống văng ra ngay từ đầu hàng và kéo đều tay. Khi đang kéo mà dừng lại, nếu muốn kéo tiếp phải đẩy lùi, kéo đi, kéo lại tại chỗ cho hạt giống rơi xuống rồi mới kéo tiếp, nếu không làm như vậy thì sẽ có một khoảng trống sau này phải dặm lại.

+ Khi gần hết ruộng phải mở nắp trống ra, kiểm tra lượng giống bên trong để điều chỉnh kịp thời.

* Sau khi gieo nếu hạt mộng chưa chìm hẳn có thể dùng nilon mỏng kéo lướt trên mặt luống để hạt chìm hơn hạn chế sự gây hại của chim, chuột và tăng cường khả năng chống rét của cây lúa.

4. Phân bón và cách bón phân:

– Lượng bón cho 1 sào: Tương đương như lúa cấy. Riêng lượng đạm giảm đi 10% và lượng kali tăng 15% để lúa cứng cây, tăng khả năng chống đổ.

– Cách bón:

+ Bón lót 100% phân chuồng và lân  +  20% đạm.

+ Thúc lần 1 khi lúa được 2 – 2,5 lá (bón nhử), bón 20% đạm  +  20% kali.

+ Thúc lần 2 khi lúa được 5 – 6 lá bón 40-50% đạm  +  30% kali.

+ Bón đón đòng (khi lúa có cứt dán): Bón nốt lượng phân còn lại.

Lưu ý: Nên sử dụng phân bón NPK chuyên dùng để cho cây lúa phát triển cân đối, giảm sâu bệnh.

5. Chăm sóc:

– Phun thuốc trừ cỏ: Đối với lúa gieo thẳng phun thuốc trừ cỏ là yêu cầu bắt buộc, dùng Sofit 300 EC hoặc Prefit 300EC phun ngay sau khi gieo từ 1 – 3 ngày (hoặc có thể sử dụng một số loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm khác và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì). Sau khi phun phải giữ nước ở rãnh để đảm bảo ruộng luôn đủ ẩm, không để nứt nẻ ít nhất trong vòng 1 tuần để phát huy hiệu lực của thuốc và tăng khả năng chống rét cho lúa. Lưu ý không phun thuốc trừ cỏ vào những ngày nhiệt độ trung bình dưới 150C, nếu điều kiện không cho phép phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm thì có thể sử dụng thuốc trừ cỏ hậu  nẩy mầm phun khi cấy lúa được trên 2,5 lá và có nước nông trên ruộng.

– Khi lúa 2 – 2,5 lá đưa nước láng mặt ruộng, kết hợp bón thúc lần 1, dặm tỉa sơ bộ, sau đó giữ nước từ 2 – 3 ngày rồi tháo cạn và giữ luống đủ ẩm.

– Khi lúa đạt 5 – 6 lá, đưa nước trở lại, bón thúc lần 2, kết hợp làm cỏ sục bùn, tỉa dặm và dữ mực nước từ 3 – 5cm để lúa đẻ nhánh được thuận lợi.

– Khi lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản (khoảng 350 dảnh/m2). Rút nước phơi ruộng để ruộng nứt nẻ chân chim. Khi lúa bắt đầu phân hoá đòng, đưa nước trở lại, kết hợp bón phân thúc đòng, giữ nước cho đến khi lúa chín đỏ đuôi, tháo cạn nước để thu hoạch được thuận lợi.

6. Phòng trừ sâu bệnh:

Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để điều tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại, đặc biệt là chuột hại và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ.

Hồng Vân (t/h)

 

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?