Biểu diễn múa Tắc xình tại Lễ hội đường phố Ninh Bình năm 2024. Ảnh: Thu Thảo
Múa Tắc xình có 09 động tác mô phỏng đời sống của người Sán Chay gồm: thăm và dọn đường, bắt quyết, mài dao, đánh dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. Động tác múa và âm nhạc cho múa đơn giản, dễ thực hành, tuy nhiên, những người tham gia Tắc xình phải là nam giới với chủ lễ là thầy cúng hoặc người múa có kinh nghiệm và kỹ thuật cao.
Khi người làm lễ ra hiệu lệnh, hai người tay cầm ống tre nhấc lên cao ngang mặt, một tay cầm cây gõ hai lần liên tiếp vào ống tre tạo nên âm “tắc, tắc”, rồi cầm ống mai đập mạnh xuống đất phát ra tiếng kêu “xình”. Tiếng nhạc gõ liên tục, không ngừng nghỉ, tạo thành nhịp điệu của bước nhảy và âm thanh tạo thành chuỗi “Tắc - tắc - xình, tắc - tắc - xình...”. Trong vòng âm thanh liên hồi đó, những người nhảy thể hiện động tác khỏe mạnh, nhịp nhàng mô phỏng động tác trong các hoạt động lao động sản xuất của người Sán Chay.
Nhạc cụ để múa gồm: trống đất (náy cau) được tạo ra bằng cách đào một hố sâu xuống đất, trên mặt hố phủ một miếng vỏ cây để tạo âm vang. Người ta chăng một sợi dây rừng cố định, ngang mặt hố, rồi lấy một que nhỏ chống dây lên ở vị trí đúng tâm của hố đất và âm thanh sẽ phát ra khi gõ vào sợi dây; trống lớn, trống nhỏ, trống nứa (náy trooc); quả chuông, chiêng, chập xeng (sắm sẹ); kèn tổ sâu làm bằng lá cây, kèn pó lè; bộ gõ là các ống tre và que tre.
Múa Tắc xình có hai tư thế :
1. Tư thế ngồi: Hai người ngồi đối diện nhau, sử dụng ngọn tre hoặc mai được vót nhẵn, phần gốc chôn chặt xuống đất, phần ngọn có chòm lá hướng lên trời, uốn cong theo hình cần câu, nhờ sợi dây (se bằng vỏ cây tu va) nối với một ống mai già. Ống tre hoặc mai có độ dài khoảng 70 - 80cm được buộc chặt bởi một đầu sợ dây rừng, còn đầu dây bên kia buộc vào ngọn tre còn tươi (có thể là ngọn trúc, vầu..) để chỏm lá trên đỉnh. Họ dùng hai tay cầm ống tre gõ mạnh xuống đất tạo âm thanh “xịch”, gõ 2 thanh tre vào nhau tạo ra âm “tắc”, liên tục, nhịp nhàng.
2. Tư thế đứng: Người gõ tay trái cầm ống tre đường kính 3,5cm, chiều dài 180m, tay phải cầm thanh tre nhỏ vót hình chữ nhật, chiều dài 30cm gõ ngang vào thân ống, ngừoi gõ tư thế đứng thẳng. Người gõ nhạc một tay dùng thanh tre già gõ vào ống mai tạo ra âm thanh “tắc”, tay kia cũng gióng mạnh ống mai xuống đất tạo nên tiếng “xịch” và cứ nối tiếp tạo thành âm “Tắc tắc xịch, tắc tắc xịch, tắc tắc xịch, tắc xịch, tắc xịch...”
Trong tiếng nhạc rộn rã của trống, kèn, chập xeng..., những nghệ nhân thực hiện các động tác dứt khoát, phối hợp linh hoạt, nhịp nhàng với bước chân nhún nhảy theo chuỗi âm thanh tắc xịch. Nguời múa cùng người gõ nhạc càng nhiệt tình và phối hợp nhịp nhàng bao nhiêu thì thần linh càng phù hộ cho mùa màng tốt tươi bấy nhiêu.
Múa Tắc xình là điệu múa nghi lễ, vừa tái hiện các hoạt động lao động sản xuất của người Sán Chay vừa thể hiện đời sống tâm linh của người dân làm nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố tự nhiên.
Điệu múa Tắc xình có tiết tấu riêng, tắc thì đưa chân lên, xình thì đặt chân xuống. Hình tượng múa ở đây thể hiện rất rõ tín ngưỡng phồn thực, đó là ngọn tre và dụng cụ gõ được biểu trưng như cầu nối truyền khí dương từ 4 tầng mây (trời), hòa quyện với khí âm (đất), và âm dương sẽ hài hòa tạo ra sự sinh sôi nảy nở, tác động vào cuộc sống lao động sản xuất, tạo ra tâm lý phù hộ để mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.
Múa Tắc xình là điệu múa nghi lễ, vừa tái hiện các hoạt động lao động sản xuất của người Sán Chay, vừa thể hiện đời sống tâm linh của người dân làm nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố tự nhiên. Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Múa Tắc xình không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, khơi dậy lòng tự hào về bản sắc riêng của cộng đồng Sán Chay, mà còn khích lệ tinh thần đoàn kết cộng đồng và góp phần vào công tác xây dựng đời sống văn hóa của Thái Nguyên.
Với những giá trị độc đáo và đậm bản sắc dân tộc, ngày 25/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL công nhận múa Tắc xình là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và là điệu dân vũ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Xuân Trường (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?