Lễ cưới hỏi của người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn luôn có sức hấp dẫn không chỉ đối với đồng bào dân tộc Nùng, vốn chiếm hơn 40% dân số tỉnh này mà còn là phong tục thu hút sự quan tâm của những dân tộc anh em khác trên vùng cao các tỉnh phía Bắc.
Người Nùng có một nền văn hóa rất phong phú và đa dạng với một kho tàng các loại thơ ca, nhạc, múa, truyện cổ tích thần thoại và các lễ hội... Trong đó phong tục hôn nhân là một vốn văn hóa cổ truyền đặc sắc của dân tộc này. Để tiến tới hôn nhân, người Nùng phải thực hiện trang trọng các nghi lễ như: “lễ so tuổi”, “dạm hỏi”, “dẫn cưới” và “lễ đón dâu”, “lễ lại mặt” và một số tục lệ khác.
Trong các nghi lễ cưới hỏi, “lễ cưới” là một nghi lễ đặc biệt đã được lưu truyền trong đời sống người Nùng qua nhiều thế hệ. Nghi lễ này có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, cũng như góp phần cho sắc màu vườn hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ.
Theo tục lệ người Nùng, khi đôi trai gái đã lựa chọn được người bạn đời ưng ý để tiến tới hôn nhân thì đôi trai gái sẽ phải lấy một vật làm tin. Có thể chàng trai sẽ lấy một cái mũ, vòng đeo tay hay một giỏ quà, còn cô gái cũng vậy có thể lấy một cái khăn để làm tin về báo hiệu cho gia đình. Sau khi nhận được thông báo của chàng trai, gia đình nhà trai sẽ tìm hiểu về gia thế gia đình cô gái đó, xem cô gái đó có chăm chỉ, nết na, khoẻ mạnh hay không. Điều quan trọng với người Nùng là khi con trai lấy vợ thì phải sinh được con.
Tràng trai người Nùng trao tín vật tình yêu, tượng trưng cho ông tơ bà nguyệt đã se duyên đôi lứa.
Sau khi thiếu nữ Nùng nhận tín vật tình yêu, để tiến tới lễ cưới chính thức, nhà trai phải chờ đợi thêm một thời gian mới được dẫn cưới và đón dâu... nghi thức đầu là lễ dạm hỏi, sau đó là lễ ăn hỏi “Lảu nự”. Trong lễ ăn hỏi, hai bên gia đình bàn bạc những vấn đề chính liên quan đến đám cưới như lễ vật, ngày giờ đón dâu. Sau khi mọi công việc trên hoàn tất, hai bên gia đình sẽ bắt tay vào chuẩn bị cho lễ cưới.
Lễ đón dâu, đưa dâu, nhà trai sang nhà gái thành đoàn, dẫn đầu nhà trai là ông đón, một bà cô tượng trưng cho phúc đức nhà chồng, rồi đến chú rể và các bạn chú rể, hai chàng trai khiêng một con lợn quay vàng óng, một cậu con trai gánh xôi, một cô gái gánh tám con gà sống thiến, một con gà luộc, một dải lụa hồng và một mảnh vải đẹp. Dân tộc Nùng trước đây còn có tục khi đến gần cửa nhà gái có đám trẻ con chăng dây ngang lối đi đòi nhà trai cho tiền mừng mới mở đường. Khi tới trước cổng nhà gái, thì người dẫn đầu đoàn nhà trai thường hát một điệu Sli để đánh tiếng cho họ nhà gái biết. Nhà gái cử một người đại diện ra xem đã đầy đủ các lễ vật theo yêu cầu của của nhà gái chưa rồi mới mời vào.
Lễ cưới của người Nùng đòi hỏi nhiều lễ nghi như: Khi đón dâu phải đúng thời gian ước hẹn; đoàn đón dâu của người Nùng thường là 6, 8 hoặc 10 người; có Thày mo làm lễ trong đám cưới; khi vào nhà, cô dâu phải dùng chân làm đổ bàn, trên đó bày 5 cái bánh nặn bằng gio bếp mà gia đình chú rể chuẩn bị. Lễ vật đón dâu bắt buộc phải có trước buồng của cô dâu trước khi đón dâu về.
Sau các nghi thức tổ chức bên nhà gái, khi đoàn đón về tới nhà chồng, cô dâu sẽ phải vào lạy bàn thờ tổ tiên và ra mời trầu, mời nước bố, mẹ chồng và những người có tuổi trong họ nhà trai. Ngay sau các nghi lễ truyền thống, mọi người trong họ và khách mời cùng thưởng thức sản vật núi rừng, mừng hạnh phúc cô dâu chú rể, mừng gia tộc thêm một gia đình mới.
Thành Trung (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?