Theo thông tin tài liệu của Cục Di sản Văn hoá (dsvh.gov.vn), trong các trò dân gian, kéo co là một trong những trò mang tính nghi lễ, gắn với tín ngưỡng cầu mùa, cầu sinh sôi, phát triển và không thể thiếu trong lễ hội Xuống đồng (thường được tổ chức vào đầu xuân) của người Tày, người Giáy ở Lào Cai.
Kéo co trong lễ hội truyền thống vùng đồng bào Tây Bắc. Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Trong lễ hội Xuống đồng, trò kéo co được tổ chức trên một cánh đồng bằng phẳng, nằm ở trung tâm của làng hoặc ở vị trí thuận lợi, có nhiều đường qua lại và phía dưới thường có con suối chảy qua. Theo quan niệm truyền thống của người Tày, người Giáy, những khu vực có địa hình cao luôn mang tính dương “giàng”, khu vực có địa hình thấp mang tính âm “din”, bên trái là dương, bên phải là âm,...
Thời gian tổ chức kéo co thường diễn ra vào buổi sáng, mang tính dương. Đội hình tham gia kéo co cũng được sắp xếp sao cho âm dương hòa hợp - Đội nam luôn ở phía Tây, còn nữ ở phía Đông. Hướng Đông là hướng mặt trời mọc, với ánh sáng mát dịu, tượng trưng cho sự tươi sáng, trong lành, sinh sôi, phát triển nên thường được người Tày, người Giáy rất coi trọng khi làm các việc lớn trong đời.
Chọn dây để kéo co đối với người Tày, người Giáy là công việc quan trọng và phải tuân thủ một số kiêng kỵ nhất định. Họ thường dùng dây song (mây) hoặc dây “má me”. Cả hai loại cây này đều có nhiều hoa, nhiều quả và tượng trưng cho một con rồng thiêng “pẻng luông”, mang sức mạnh dẻo dai,…
Người Tày ở huyện Bắc Hà, Bảo Yên, thường lên rừng tìm lấy dây kéo (thẳng và đẹp) vào giờ Thìn “chơ thỉ” (khoảng từ 6 - 8 giờ), trong tháng Giêng. Theo họ, đây là giờ tốt, mưa thuận gió hòa, thời tiết mát mẻ, có nhiều vượng khí,... Trước khi đi lấy dây, trưởng làng phải mài dao thật sắc, rồi cất cẩn thận, tránh không cho chó và trẻ em bước qua làm bẩn, khi chặt cây dây kéo co sẽ mất thiêng. Cây dung để kéo co phải thẳng, dóng dài đều, gốc với ngọn tương đối đều nhau, thân càng dài thì càng tốt. Việc tìm chặt dây kéo thường được thực hiện trước khi tổ chức kéo co từ 2 - 3 ngày. Dây kéo được mang về để ở nhà ông Mo, tới ngày hội mới mang ra địa điểm tổ chức để kéo.
Đối với người Giáy, việc lấy dây kéo có phần đơn giản hơn - làng phân công cho một gia đình có trách nhiệm đi chặt dây song (mây) về. Khi lấy dây, không nhất thiết phải phải chọn ngày đi, chỉ cốt sao lấy được cây song (mây) đẹp, có thân thẳng (thường là những cây mọc dựa vào hoặc quấn trên thân cây khác). Sau khi chặt được dây, cuốn dây thành cuộn tròn, rồi mang về nhà chủ làng để, đến ngày tổ chức hội sẽ mang ra làm dây kéo.
Khi kéo, dây được chia làm 2 phần đều nhau, phần chính giữa quấn dây vải đỏ hoặc giấy đỏ để làm ranh giới. Tư thế kéo, cách cầm nắm dây kéo cũng được những người chơi đặc biệt lưu ý. Hai đội kéo co cũng đồng nghĩa với việc “kéo rồng”, với mong muốn, rồng phun mưa cho làng bản có nước đầy đồng, cá đầy sông, đầy suối, mùa màng tươi tốt,...
Đối với người Tày vùng Bảo Nhai, Bắc Hà, quy định đội nam kéo phần gốc dây, tương ứng với thân và đầu rồng; bên nữ sẽ kéo phần ngọn dây, tương ứng với đuôi rồng. Khi kéo, người kéo ở vị trí cuối cùng của đội nam không được cầm vào phần ngoài cùng của dây, vì đây là vị trí miệng và mắt rồng. Nếu người kéo không biết, hoặc vô ý cầm vào gốc sợi dây, sẽ bịt mất miệng và mắt rồng, khiến cho rồng không thể phun được mưa, năm đó trời sẽ khô hạn, mất mùa,...
Theo truyền thống của người Tày, phần dây kéo có đầu gốc thường dành cho người cao tuổi, không phân biệt là nam hay nữ; đầu ngọn dây kéo là của thanh niên. Vì đây là trò mang tính nghi lễ, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người già có sức khỏe, người trẻ sống thọ như người già,... do đó, trước khi kéo, thầy Mo luôn thỏa thuận ngầm với hai bên, trong mọi cuộc kéo, bên trẻ phải nhường cho bên già dành chiến thắng.
Với người Giáy, sau nghi lễ tung còn, chủ làng chọn người tham gia kéo co, thường là người già, rồi chia thành đội nam và đội nữ, mỗi bên từ 10 - 15 cụ. Đội hình tham gia kéo co sẽ được chủ làng sắp xếp theo hướng quy định. Thông thường, có ba cách sắp xếp, cụ thể như sau: nếu sắp xếp theo hướng mặt trời thì bên mặt trời mọc là nữ giới, còn bên mặt trời lặn là nam giới; nếu sắp xếp theo con suối thì nam giới đứng ở phía đầu suối và nữ giới đứng ở phía dưới; nếu sắp xếp theo địa hình thì nam giới đứng ở trên cao, nữ giới đứng ở phía thấp. Trước khi kéo, thầy Mo đọc bài văn khấn nói về nghi lễ kéo co của dân tộc.
Theo tiếng Tày, kéo co còn được gọi là trò “kéo mây”, tức kéo mây xuống, để đem mưa thuận gió hòa cho con người, cho vạn vật sinh sôi phát triển,... Như vậy, trò này mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, tôn vinh và củng cố sức mạnh của tinh thần đoàn kết và là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong lễ hội Xuống đồng, thể hiện khát vọng về sự sinh sổi, phát triển của con người cũng như vạn vật… tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng trong lao động, sản xuất.
Đến nay, trò kéo co vẫn được các thế hệ người Tày, người Giáy giữ gìn, phát huy trong lễ hội truyền thống của cộng đồng. Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, “Kéo co của người Tày, người Giáy ở Lào Cai” đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014./.
Huy Minh (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?