Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Tìm hiểu Lễ cúng cơm mới của người dân Tây Nguyên

Thứ năm, 16/05/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 5 điểm ( 1 đánh giá )

Lễ cúng cơm mới là lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, nhằm tri ân thần linh và cầu mong mùa màng bội thu. Lễ hội diễn ra từ nhà này sang nhà khác, thể hiện sự đoàn kết và lòng biết ơn của cộng đồng.

Nghi thức cúng cơm mới. Ảnh (internet)

Lễ cúng cơm mới diễn ra hàng năm sau khi thu hoạch để người dân tộc thiểu số như Xơ Đăng, Ê Đê, Thái... tri ân trời đất đã ban phước lành cho mùa màng bội thu. Đây là một trong những lễ hội truyền thống phổ biến tại nhiều vùng Tây Nguyên.

Từ thời xa xưa, sau mỗi vụ mùa, người dân Tây Nguyên thường tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới, chuẩn bị những bữa cơm từ hạt thóc mới thu hoạch. Lễ hội mang ý nghĩa tôn vinh lúa gạo mà thần linh ban tặng, thể hiện lòng biết ơn trời đất, các vị thần như thần sông, thần suối, thần mưa, thần gió, thần đất vì đã ban cho mùa màng thuận lợi.

Mỗi dân tộc và địa phương ở Tây Nguyên có cách tổ chức Lễ cúng cơm mới khác nhau. Hiện nay, khi văn hóa ngày càng giao thoa, lễ hội này đã trở thành một sự kiện chung với tên gọi Lễ cúng cơm mới, mang đậm nét đặc trưng của nhiều dân tộc.

 Cách tổ chức Lễ cúng cơm mới

Lễ cúng cơm mới khác với các lễ hội khác khi được tổ chức theo thứ tự từ nhà này sang nhà khác. Các gia đình trong buôn đã thỏa thuận và sắp xếp trước để cùng hợp tác giúp lễ hội diễn ra thuận lợi.

Lễ cúng cơm mới là dịp để đồng bào dân tộc thiểu số bày tỏ lòng kính trọng với các đấng thần linh đã ban phước lành cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Quy mô tổ chức Lễ cúng cơm mới ở mỗi gia đình khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và lượng lúa gạo thu hoạch được. Gia đình khá giả thường tổ chức lớn, mời bà con láng giềng đến chung vui, kéo dài từ một ngày đến vài ngày. Gia đình khó khăn hơn sẽ tổ chức đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế. Cách tổ chức này thể hiện sự phân biệt giàu nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Lễ cúng cơm mới không chỉ là dịp ăn mừng vụ mùa bội thu mà còn là lúc người dân cúng thần, cúng tổ tiên và cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, sức khỏe, mùa màng thịnh vượng trong những năm tiếp theo.

Lễ cúng cơm mới cũng là dịp để người dân trong bản tụ họp vui chơi, với tiếng cồng chiêng rộn rã, ca hát nhảy múa suốt ngày đêm. Đặc biệt, những năm mùa màng thuận lợi, cả bản bội thu thì lễ hội kéo dài vô tận, từ nhà này sang nhà khác, tụ họp vui chơi liên tục.

Những điểm khác biệt của Lễ cúng cơm mới ngày nay

Với sự thay đổi của thời đại và sự phát triển của kinh tế, khoảng cách giữa các dân tộc ngày càng thu hẹp. Điều này đã dẫn đến một số thay đổi trong cách tổ chức Lễ cúng cơm mới và các tập tục truyền thống.

Lễ Cúng Cơm Mới của người Xơ Đăng có truyền thống lâu đời trong việc tổ chức Lễ cúng cơm mới, là dịp lễ hội lớn nhất trong năm được người dân hào hứng mong chờ. Lễ hội mang nhiều sắc màu tâm linh, kéo dài ba ngày với không khí náo nhiệt khắp làng trên xóm dưới.

Trước đây, lễ mừng lúa mới của người Xơ Đăng diễn ra theo kiểu từng nhà riêng lẻ. Hiện nay, lễ hội đã trở thành sự kiện cộng đồng chung. Trước lễ hội, già làng tập trung cả buôn tại Nhà Rông để thông báo thời gian tổ chức, phân công nhiệm vụ cho mọi người. Nam giới đảm nhiệm việc mổ trâu, mổ bò, đốn củi, trong khi phụ nữ lo nội trợ, chuẩn bị món ăn và tiết mục văn nghệ.

Trong lễ cúng cơm mới, già làng là người chủ trì, điều hành các hoạt động và đại diện dâng lễ, cầu xin thần linh. Trong năm mùa màng kém may mắn, già làng cũng thay mặt cộng đồng cầu xin thần linh ban phước, để vụ mùa sau bội thu. Đồng bào Xơ Đăng chuẩn bị ché rượu cần, thịt nướng thơm ngon, cơm lam nóng hổi và mâm cúng với đầu heo, cơm từ lúa mới. Họ còn có tục lệ ăn thịt chuột đồng, biểu thị sự trừ khử loài phá hoại mùa màng. Sau nghi lễ, già làng chúc tụng từng nhà và rải cơm quanh nhà để mong năm sau mùa màng dồi dào hơn. Cả buôn lại tụ họp tại Nhà Rông để chia sẻ niềm vui, đánh cồng chiêng, ca hát, nhảy múa quanh bếp lửa và tham gia các trò chơi dân gian.

Hồng Nhung (t/h)

 

 

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?