Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình đạt 60 triệu đồng/năm

Thứ năm, 03/10/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Theo số liệu tổng hợp, báo cáo của các địa phương có đồng báo dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2024, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, của đồng bào dân tộc thiếu số nói riêng có bước phát triển tích cực, góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đó cũng là mục tiêu phát triển mang tính nhất quán, bền vững của tỉnh Ninh Bình.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nho Quan. Ảnh (nbtv.vn)

Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình đạt 60 triệu đồng/năm

 Sản xuất chăn nuôi tiếp tục phát triển, công tác phòng trừ dịch bệnh luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh gia súc, gia cầm gắn với hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do vậy, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Sản xuất lâm nghiệp tập trung đẩy mạnh công tác trồng rừng, trồng cây phân tán và chăm sóc rừng ở các địa phương, đồng thời duy trì các biện pháp bảo vệ và phòng chống cháy rừng, nhất là trong những ngày nắng nóng, hanh khô. Công tác phát triển rừng được quan tâm, gắn với tuyên truyền thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 và hưởng ứng Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng, tiếp tục triển khai dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ.

Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển các đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái và nuôi theo hướng tuần hoàn, an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Ninh Bình đạt 63,96 triệu đồng/năm; Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khoảng 2,95%, cận nghèo khoảng 3,58%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: hộ nghèo 65,3%, cận nghèo 57,87%.

Phục dựng lại 10 nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường

Việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đẩy mạnh, đồng thời chú trọng tổ chức các hoạt động để phát huy được công năng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã góp phần thay đổi đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, 100% xã, các thôn, xóm, làng có Nhà văn hóa gắn liền với khu thể thao, sân thể thao đơn giản, đặc biệt đã đầu tư xây dựng sửa chữa, phục dựng lại 10 nhà sàn truyền thống làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cơ sở ngày càng phát triển, các tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập và tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người và bồi dưỡng năng khiếu cho thanh, thiếu niên. Nhiều mô hình giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, sinh hoạt của người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc duy trì hoạt động có hiệu quả như: các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa Sạp; Cồng Chiêng; hát Đúm; Sắc bùa; Hát giao duyên tiếng Mường; Giai điệu Mường xưa,… và những trò chơi dân gian: bắn cung, bắn nỏ, chọi gà, cờ bỏi, kéo co, bơi chải...

Hàng năm, UBND huyện Nho Quan tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc”. Thông qua Ngày hội tạo không gian kết nối và giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong huyện; tích cực tuyên truyền, giới thiệu bản sắc và những sản phẩm văn hóa đặc trưng của huyện miền núi, phục vụ người dân và du khách; tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, đẩy mạnh quảng bá du lịch, văn hóa, con người Nho Quan. Định hướng xây dựng, giới thiệu và quảng bá về các sản phẩm du lịch có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ bền vững. Phát hiện, lựa chọn các vận động viên tiêu biểu ở các môn thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Mường để tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn bị lực lượng tham gia các giải đấu do cấp trên tổ chức, phấn đấu đạt nhiều thành tích cao.

Phong trào xây dựng các danh hiệu văn hóa được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng và đều khắp trên địa bàn tỉnh trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến tháng 9/2024, tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có 7.053/8.296 (đạt 85%) hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 74/80 (đạt 92,5%) thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa, trong đó có 05/07 xã có 100% thôn, bản được công nhận là thôn, bản văn hóa, cụ thể: Thạch Bình (18/18 thôn, bản), Cúc Phương (10/10 thôn, bản), Kỳ Phú (13/13 thôn, bản), Quảng Lạc (08/08 thôn, bản), Văn Phương (07/07 thôn, bản) và có 35/35 (đạt 100%) cơ quan đạt danh hiệu văn hóa.

100% trạm y tế ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bác sĩ

Việc giám sát tình hình dịch bệnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân. Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, công tác tuyên truyền, phổ biến tới các tầng lớp nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 được tăng cường; các thôn, bản, tổ Covid cộng đồng thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện, của xã.

Đến thời điểm hiện tại, số trạm trạm y tế ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bác sĩ là 07/07 trạm, đạt tỷ lệ 100%; 07/07 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 100%); tỷ lệ thôn, bản có cán bộ y tế là 90/90 thôn, đạt 100%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 93,8%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng hố xí hợp vệ sinh là 100%; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt 100%.

100 cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia

Công tác giáo dục luôn được quan tâm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, cơ sở vật chất trong hệ thống giáo dục được tăng cường đặc biệt đối với Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh. Làm tốt công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, mua sắm trang thiết bị. Đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, đảm bảo kế hoạch chương trình năm học.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và phổ cập giáo dục được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt. Đến nay, các trường ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các bậc học mầm non, phổ thông, trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đều đạt chuẩn quốc gia. Các xã đều hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, chất lượng giáo dục dần được nâng cao, cơ sở vật chất được tăng cường. Trong các cơ sở giáo dục có nhiều mô hình, câu lạc bộ nhằm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến thời điểm hiện tại, 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.

Xây dựng nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng

Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông và các công trình công ích. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã làm được 16.904 tuyến đường với tổng chiều dài 2.138,7 km; nhiều công trình giao thông đang được đầu tư xây dựng, trong đó có công trình đường Đông - Tây kết nối huyện Nho Quan với các địa phương khác của tỉnh (Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B, tỉnh Ninh Bình; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I và giai đoạn II); Dự án Xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân, tỉnh Ninh Bình; Dự án xây dựng tuyến đường T21 (đường Lê Duẩn) giai đoạn I; Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn I); Dự án xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (giai đoạn II); Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường chính vào khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình (giai đoạn II); Dự án xây dựng tuyến đường du lịch kết hợp phát triển đô thị từ thị trấn Thiên Tôn đến Cố đô Hoa Lư…) Các dự án này mở ra dư địa, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Các công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà hát, công trình điện; kết cấu hạ tầng viễn thông, thông tin, truyền thông phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt được đầu tư xây mới, cải tạo, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

Xuân Trường

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?