Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Quy định về kết hôn có yếu tố nước ngoài

Thứ ba, 05/03/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 5 điểm ( 1 đánh giá )

Theo Điều 126, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

“1. Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

2. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.”

Theo quy định trên thì khi thực hiện kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài phải đáp ứng đồng thời điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà họ mang quốc tịch (hoặc nơi họ cư trú) và điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các điều kiện kết hôn của pháp luật Việt Nam được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, được áp dụng cho bên nam hoặc nữ là công dân Việt Nam hoặc khi việc kết hôn có yếu tố nước ngoài tiến hành tại Việt Nam. Theo đó, hai bên nam nữ muốn kết hôn với nhau phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Về tuổi kết hôn:

Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn”.

Theo Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là trường hợp nam đã đủ hai mươi tuổi, nữ đã đủ mười tám tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh; Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh thì thực hiện như sau:

a) Nếu xác định được năm sinh nhưng không xác định được tháng sinh thì tháng sinh được xác định là tháng một của năm sinh;

b) Nếu xác định được năm sinh, tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh được xác định là ngày mùng một của tháng sinh.”

Vậy, điều kiện về tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Pháp luật Việt Nam không quy định về độ tuổi tối đa, chỉ quy định về độ tuổi tối thiểu, đồng thời cũng không giới hạn về sự chênh lệch độ tuổi của nam, nữ trong việc kết hôn.

2. Việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”.

Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì tự nguyện ở đây nghĩa là nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau hoàn toàn tự do theo ý chí của họ.

Pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể để đảm bảo cho sự tự nguyện của hai bên nam, nữ khi thực hiện kết hôn có yếu tố nước ngoài, mà thể hiện rõ nhất là ở quy định khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt để ký vào Giấy chứng nhận kết hôn, nếu không thể có mặt thì cơ quan có thẩm quyền gia hạn thời gian trao giấy chứng nhận, quá 60 ngày mà hai bên nam nữ không đến nhận Giấy chứng nhận thì phải tiến hành đăng ký kết hôn lại từ đầu. 

3. Các bên không bị mất năng lực hành vi dân sự:

 Điểm c khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định hai bên nam, nữ tại thời điểm đăng kí kết hôn phải “Không bị mất năng lực hành vi dân sự”. Những người bị mất năng lực hành vi dân sự thì không đủ điều kiện để kết hôn.

Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.”

Để đảm bảo quyền lợi cho các bên khi kết hôn có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam có quy định chứng minh mình không bị mất năng lực hành vi dân sự bằng việc phải có giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Giấy xác nhận này có giá trị trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cấp.

4. Người kết hôn phải không thuộc các trường hợp cấm kết hôn:

 Thứ nhất, cấm kết hôn giả tạo.

Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình”.

Thứ hai, cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.

Khoản 8 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.”

Khoản 9 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.

Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành quy định của Luật hôn nhân và gia đình quy định: Lừa dối kết hôn là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn.

Khoản 10 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định.

Các hành vi trên là những hành vi vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn, điều kiện về sự tự nguyện khi kết hôn, đó là những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội, làm sai lệch đi mục đích của kết hôn, không đạt được mục tiêu phát triển gia đình và xã hội.

Thứ ba, cấm kết hôn đối với người đang có vợ hoặc có chồng.

Điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn:

“Người đang có vợ hoặc có chồng” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;

b) Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;

c) Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết.”

 Những người đăng ký kết hôn phải cung cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để chứng minh tại thời điểm đăng ký kết hôn người đó đang không đang trong tình trạng có vợ hoặc có chồng. Đây là quy định làm cơ sở cho cuộc hôn nhân tiến bộ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần cho sự phát triển của xã hội.

Thứ tư, cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau”

Khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”

Theo kết quả nghiên cứu khoa học thì những người có quan hệ huyết thống gần mà kết hôn với nhau thì những đứa con mà họ sinh ra tỷ lệ bị dị tật rất cao, nhiều trường hợp tử vong và khi quan hệ huyết thống của bố mẹ càng gần thì tỷ lệ tử vong càng tăng cao. Do đó, pháp luật Việt Nam cấm những kết hôn đối với các cặp nam, nữ có quan hệ huyết thống gần để đảm bảo con của họ sinh ra khỏe mạnh, đảm bảo phát triển nòi giống lành mạnh; bảo vệ các quan hệ gia đình, đạo đức và lợi ích xã hội.

Quy định cấm kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng là nhằm mục đích ổn định các mối quan hệ trong gia đình và cả ngoài xã hội. Đây là quy định vừa mang tính pháp lý vừa mang tính xã hội. Về mặt pháp lý, quy định giúp ngăn chặn việc lợi dụng mối quan hệ phụ thuộc dẫn tới hành vi cưỡng ép người bị phụ thuộc kết hôn trái với ý muốn của họ. Về mặt xã hội, quy định này là một quy phạm đạo đức, xã hội Việt Nam không chấp nhập quan hệ hôn nhân giữa những người trước đây đã từng có quan hệ cha, mẹ và con dù họ không có quan hệ huyết thống.

5. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Mục đích của kết hôn là xây dựng gia đình, thực hiện chức năng sinh đẻ để duy trì nòi giống cho xã hội. Chức năng này được thực hiện bởi hai chủ thể khác nhau về giới tính. Nếu thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới thì không phù hợp với mục đích của kết hôn. Đồng thời, kết hôn giữa những người cùng giới tính là không thuận theo lẽ tự nhiên, không phù hợp với thuần phong, mĩ tục, với truyền thống văn hoá của Việt Nam.

Trước đây, pháp luật Việt Nam (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986) quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, nhằm thể hiện sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do cá nhân, quyền mưu cầu hạnh phúc, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không còn cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nữa mà chỉ quy định nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Những người cùng giới tính nếu sống chung với nhau sẽ không phải chịu các chế tài của pháp luật, nhưng về quan hệ nhân thân, người cùng giới kết hôn sẽ không có ràng buộc nào về mặt pháp lý; quan hệ giữa họ không được gọi là quan hệ vợ chồng, không phát sinh quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng; về quan hệ tài sản, giữa họ cũng sẽ không có chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân, nếu có phát sinh tranh chấp, tài sản giữa họ sẽ được giải quyết theo Bộ luật Dân sự.

Các trường hợp kết hôn giữa những người cùng giới tính có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam cũng không thừa nhận. Tương tự như vậy, đối với trường hợp công dân của các quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới mà kết hôn với công dân Việt Nam hoặc họ kết hôn với nhau ở Việt Nam thì pháp luật Việt Nam cũng không thừa nhận và quan hệ giữa họ không được pháp luật Việt Nam bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.

Nam Giang (t/h)

 

 

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?