Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền của các dân tộc thiểu số (Bài 1)

Thứ hai, 29/01/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Quán triệt những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nguyên tắc và định hướng chiến lược về chính sách dân tộc ở Việt Nam, đó là đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc. Có thể khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, chính sách dân tộc của Đảng luôn được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước.

Từ Đại hội IV đến Đại hội X của Đảng, chính sách dân tộc đã được Đảng ta đề ra trên cơ sở các vấn đề cốt lõi, đó là: Vị trí của vấn đề dân tộc trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng; các nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc; những vấn đề trọng yếu của chính sách dân tộc trong những điều kiện cụ thể. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đối mới đều xác định vị trí của vấn đề dân tộc trên hành trình đối mới của đất nước, đó là: "có vị trí chiến lược lớn" (văn kiện Đại hội VIII), "luôn luôn có vị trí chiến lược" (văn kiện Đại hội IX), "có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta” (văn kiện Đại hội X). Các nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc đã được hình thành từ khi Đảng ta mới ra đời, và ngày càng hoàn thiện. Trong thời kỳ đổi mới, các nguyên tắc cơ bản này tiếp tục được khẳng định và bổ sung thêm. Nếu như trong các văn kiện Đại hội Đảng từ lần thứ II đến lần thứ V nhấn mạnh: đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc, thì từ Đại hội VI trở đi các nguyên tắc này đã được xác định là: "Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau" (văn kiện Đại hội VI), "Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau" (văn kiện Đại hội VII), "Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ" (văn kiện Đại hội VIII), "Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển" (văn kiện Đại hội IX), "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ" (văn kiện Đại hội X).

Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã quán triệt: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biếu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc". "Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững... Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, đường lối của Đảng ta về vấn đề dân tộc đã được thể chế hóa và triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với việc thực hiện quyền bình đẳng của các dân tộc. Từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (Hiến pháp năm 1946) đến bản Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 2013) đều ghi nhận và bảo vệ quyền bình đẳng của mọi người, mọi công dân Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 khẳng định: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều thứ 6). Tất cả công dân Việt Nam đều bình đằng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình (Điều thứ 7). Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiếu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung (Điều thứ 8).

Trong Hiến pháp năm 2013, ngoài việc khẳng định quyền bình đẳng giữa các dân tộc, còn dành nhiều điều khoản quy định về quyền của dân tộc thiểu số. Điều 5 Hiến pháp ghi rõ: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước"; Điều 16 Hiến pháp quy định: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội". Điều này được hiểu là mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân như nhau.

Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân của các dân tộc thiểu số, tại Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định: Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc...

Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay, bên cạnh việc thực hiện quyền bình đẳng về dân sự và chính trị của các dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước luôn quán triệt chủ trương gắn phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội giữa các tầng lớp và các nhóm người trong xã hội, triển khai những chính sách nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với các dân tộc thiểu số, từ đó bảo đảm và thúc đẩy thực hiện đây đủ quyền bình đẳng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.

Mỗi người dân các dân tộc thiểu số là chủ thể thụ hưởng các quyền phát triển bình đẳng và cũng là chủ thể thực hiện các quyền đó. Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc nâng cao ý thức người dân để bảo đảm việc thụ hưởng và thực hiện các quyền của người dân tộc thiểu số trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Nam Giang (t/h)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?