Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây gọi là Chương trình), giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 372/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2022 thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2023 về việc giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Ảnh minh hoạ (nguồn internet).
Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 55/2022/NQ-HĐND ngày 27 tháng 10 năm 2022 quy định 2 nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Nghị quyết số 56/2022/NQ-HĐND ngày 27 tháng 10 năm 2022 quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 27 tháng 10 năm 2022 quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Chương trình được triển khai thực hiện tại 07 xã, huyện Nho Quan (gồm các xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương) và 04 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (gồm các thôn: Thôn Đức Thành, thôn Hồng Quang thuộc xã Xích Thổ và Thôn 4, thôn 5 thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan). Trong đó, Tiểu dự án 3, Dự án 5 “Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” hướng đến đối tượng người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn I của Tiểu dự án 3, Dự án 5 “Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực triển khai công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho người lao động lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi đăng ký học nghề ít, không đủ để tổ chức mở lớp dày nghề theo quy định.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động trên địa bàn huyện Nho Quan nói chung và vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Kết quả: từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 100.358 người, trong đó cao đẳng, trung cấp là 28.740 người, sơ cấp và dưới 3 tháng là 71.618 người, trong đó dân tộc thiểu số tham gia học nghề cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 118 người; Giải quyết việc làm cho 76.933 người, trong đó có 5788 người lao động đi làm theo hợp đồng ở nước ngoài (trong đó: 83 người lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 34 hội nghị tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường lao động cho 6.806 cán bộ xã, thôn và tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho 1.511 người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ký kết Thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Thành phố Asan, tỉnh Chungcheonam, Hàn Quốc, trong đó ưu tiên tuyển chọn lao động là người dân tộc thiểu số.
Với mục tiêu hỗ trợ lao động tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng; đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để người lao động thuộc đối tượng đăng ký tham gia học nghề./.
Hà Phương
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?