Thứ Tư, 16/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Ninh Bình phấn đấu cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,64% và cận nghèo còn 2,06%

Chủ nhật, 13/10/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo trong đó đặc biệt ưu tiên tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách giảm nghèo chung của Trung ương ban hành, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động lồng ghép với ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác để ban hành các chính sách đặc thù phù hợp với địa phương góp phần thực hiện công tác giảm nghèo nói chung và chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số.

Một hộ nghèo huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (ảnh BCXB)

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Ninh Bình bố trí 144,252 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ ngân sách tỉnh. Đến nay tỉnh đã thực hiện phân bổ 108,189 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện 05 dự án đã đạt được nhiều kết quả.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2): Với tổng kinh phí bố trí là 30 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và triển khai thực hiện 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 942 hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và hộ khuyết tật không có sinh kế ổn định.

Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, với tổng kinh phí bố trí là 31,5 tỷ đồng. Đối Tiểu dự án 1: Toàn tỉnh đã thực hiện 43 dự án chăn nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp qua đó giúp hỗ trợ 750 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có sinh kế ổn định. Đối với Tiểu dự án 2: Ngành Y tế đã thực hiện các hoạt động can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em 0-16 tuổi thông qua nhiều hoạt động (trong đó 8/8 huyện, thành phố tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, cán bộ làm công tác dinh dưỡng tuyến huyện, xã, nhân viên y tế thôn, bản, cộng tác viên dinh dưỡng, cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở trường học … trong triển khai các hoạt động can thiệp cải thiện dinh dưỡng tại địa bàn huyện, thành phố (tổng số lớp: 25 lớp, tổng số người tham dự: 2.282 người). 8/8 huyện, thành phố đã thực hiện hoạt động cân, đo và đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ từ 0 đến dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn huyện; 4/8 huyện đã mua dụng cụ cân, đo cấp phát cho các trạm y tế phục vụ công tác đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Các huyện, thành phố đã thực hiện hoạt động truyền thông dinh dưỡng bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp qua hệ thống truyền thông đại chúng phát trên sóng truyền thanh ba cấp; in và cấp phát băng rôn, áp phích, tờ rơi tuyên truyền về dinh dưỡng).  

Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững: Với tổng kinh phí bố trí là 24,6 tỷ đồng, Trong đó: Tiểu dự án 1. Phát triển giáo dục nghề nghiệp 12 tỷ đồng; Tiểu dự án 3. Hỗ trợ việc làm bền vững 12,6 tỷ đồng; đến nay, tiểu dự án giáo dục nghề nghiệp gần như chưa thực hiện được do không tuyển được đối tượng người học thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng lao động có thu nhập thấp vẫn chưa có hướng dẫn từ cấp có thẩm quyền dẫn đến các nội dung thuộc tiểu dự án mới chỉ dừng ở các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, khảo sát nhu cầu học nghề. Đối với tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững, hàng năm các cơ quan, địa phương được giao kinh phí thực hiện đã tổ chức các hoạt động gồm: tập huấn và tiến hành điều tra thu thập cơ sở dữ liệu về người lao động; chi điều tra khảo sát dữ liệu người lao động; trang bị các thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc (thu thập cơ sở dữ liệu về người lao động; tổ chức thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của 430 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, lưu động và phiên giao dịch việc làm trực tuyến (online) kết nối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; tuyên truyền hoạt động của sàn giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh.

Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; với tổng kinh phí bố trí 8,4 tỷ đồng (trong đó: Giảm nghèo về thông tin 3,9 tỷ đồng; truyền thông về giảm nghèo đa chiều 4,5 tỷ đồng).

 Biên tập, phát hành 600 cuốn tài liệu “Giảm nghèo về thông tin” với nội dung giới thiệu các văn bản của Trung ương, của tỉnh về triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo; chỉ đạo và hỗ trợ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng các chuyên mục “Giảm nghèo về thông tin” với trên 1.384 tin, bài viết giới thiệu về tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về giảm nghèo bền vững... phát sóng định kỳ hàng tuần trên hệ thống đài truyền thanh 3 cấp trên địa bàn tỉnh; tổ chức bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ biên tập và viết tin, bài cho 143 công chức văn hóa xã hội, nhân viên văn hóa, xã hội, thông tin, truyền thông cấp xã trên địa bàn tỉnh về nội dung tuyên truyền các văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về chính sách hỗ trợ người nghèo và các thông điệp truyền thông giảm nghèo về thông tin; duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử “Giảm nghèo về thông tin”; chăng treo trên 3000 băng rôn, in trên 150.000 tờ rơi tuyên truyền giảm nghèo, đặc biệt là năm 2022 đã tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo; tổ chức trên 30 hội nghị đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với 60.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo; hàng năm tổ chức các hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý cho hòa giải viên cơ sở, trưởng xóm, người nghèo và người dân trên địa bàn các xã bãi ngang ven biển; tuyên truyền các chính sách xã hội, chính sách giảm nghèo, trợ giúp pháp lý và giải quyết các tranh chấp về đất đai; cấp phát cẩm nang pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người tham dự.

Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình; với tổng kinh phí bố trí là 13,689 tỷ đồng (trong đó: Nâng cao năng lực 10,5 tỷ đồng; giám sát, đánh giá Chương trình 3,189 tỷ đồng): Đã tổ chức trên 50 hội nghị tập huấn và lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho trên 40.000 lượt cán bộ giảm nghèo các cấp và trưởng thôn, xóm, phố trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành và địa phương liên quan hàng năm tổ chức các đoàn cán bộ đi tham quan học tập mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay về giảm nghèo tại các địa phương khác.

Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo: Năm 2021- năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 3,07% (tương ứng 9.614 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,49% (10.881 hộ). Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 1,86% (5.905 hộ), hộ cận nghèo là 2,27% (7.207 hộ). Phấn đấu cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,64% và cận nghèo còn 2,06%.

Thanh Nga

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?