Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ III năm 2019 đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 2019-2024, một số mục tiêu cụ thể gồm:
- Về nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực: phấn đấu có trên 50% lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trong đó 20% được đào tạo nghề; đảm bảo 100% trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường ở các cấp học.
- Về công tác cán bộ: Trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống cơ quan hành chính vùng dân tộc thiểu số phải đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số; 100% cán bộ, công chức cấp xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn theo quy định định.
- Về công tác giảm nghèo: Bình quân giảm từ 1-1,5% hộ nghèo/năm, phấn đấu đến năm 2024 còn dưới 2%; không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; 100% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, xóa nhà ở dột nát, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất.
- Về cơ sở hạ tầng: Đảm bảo 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 60% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật được quy định trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; Internet đến tất cả các thôn, bản; 100% số xã vùng dân tộc thiểu số hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
- Về văn hóa, xã hội: bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (đặc biệt là văn hoá Mường), phát huy, nâng cao hiệu quả hoạt động của 7 CLB văn hoá dân tộc đã thành lập; 100% hộ gia đình được xem truyền hình; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Biểu diễn đánh cồng chiêng dân tộc Mường Nho Quan. Ảnh (Minh Ngọc)
- Về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và an ninh quốc phòng: xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. 8 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nho Quan và xã Yên Sơn thành phố Tam Điệp lựa chọn từ 1 đến 2 khâu đột phá, ưu tiên việc mới, việc khó để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ III đã đề ra
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội lần thứ III năm 2019, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình, dự án của Trung ương kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển tương đối toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng cao, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi rõ rệt.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến thời điểm hiện tại, 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 07/07 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 100%); tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ xã đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%. Các xã, thôn, xóm, làng có Nhà văn hóa gắn liền với khu thể thao, sân thể thao đơn giản đạt 100%, đặc biệt đã đầu tư xây dựng sửa chữa, phục dựng lại 10 nhà sàn truyền thống làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường; 100% số xã vùng dân tộc thiểu số hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó có 02/07 xã (đạt tỷ lệ hơn 28%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Cúc Phương, xã Văn Phương), 01 xã (Quảng Lạc) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024; có 09/89 thôn, xóm, bản (đạt tỷ lệ 10%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chỉ 2 năm sau Đại hội lần thứ III, năm 2021, toàn bộ 59 thôn của 05 xã (xã Cúc Phương; xã Kỳ Phú; xã Phú Long; xã Quảng Lạc; xã Thạch Bình của huyện Nho Quan) đã được đưa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Như vậy, từ năm 2021, tỉnh Ninh Bình không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai đúng đối tượng; việc hỗ trợ những hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ gặp thiên tai, hoạn nạn đảm bảo điều kiện sống được thực hiện kịp thời với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Các Chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai kịp thời, cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ và phát huy hiệu quả. Các chính sách trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ nhân dân được thực hiện công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đối tượng đã tạo điều kiện cho đồng bào chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số luôn được kiện toàn, củng cố vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Khối đại đoàn kết các dân tộc được phát huy, khắc phục khó khăn để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, triển khai nhiều mô hình, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững gắn kết với thị trường tiêu thụ, các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương đã được đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong những năm qua, nhiều địa phương đã tập trung phát triển thương mại dịch vụ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; phát triển sản xuất các loại cây trồng, đẩy mạnh chăn nuôi; cán bộ, nhân dân, người uy tín nêu cao tinh thần trách nhiệm khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Công tác thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã được các cấp, các ngành triển khai kịp thời, đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện ở các đơn vị, địa phương qua đó cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp để các ngành chức năng hoàn thiện hơn các chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Những năm qua, các cấp, các ngành đã phối hợp tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, dự án, đề án đảm bảo hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch giao. Nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tích cực xây dựng nông thôn mới, đoàn kết các dân tộc luôn vững chắc, tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đóng góp ý kiến xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ III đã đề ra./.
Thanh Nga
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?