Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khoảng 30 ngàn người chiếm khoảng 3% dân số của tỉnh, với trên 8.200 hộ, chiếm 2,61% tổng số hộ của tỉnh, chủ yếu là dân tộc Mường (chiếm khoảng 97,2% trong tổng số người dân tộc thiểu số), ngoài ra còn có các dân tộc thiểu số khác như: Nùng 170 người, Tày 321 người, Thái 270 người, Dao, Sán Dìu, M Nông, Ê đê, Hoa, Thổ, Ra Glai, Khơ me, Chăm, Si la, Xinh mun, Gia Rai, Giáy, Pà thẻn ... sinh sống rải rác và đan xen trên địa bàn các xã, thị trấn.
Biểu diễn văn nghệ dân tộc Mường. Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Số xã được phân định thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN): Có 07 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, gồm các xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Yên Quang, Văn Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc (Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025). Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, tính đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 5.905 hộ nghèo đạt tỷ lệ 1,86% và 7.207 hộ cận nghèo tương ứng tỷ lệ 2,27%, trong đó: có 261 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 4,44% tổng số hộ nghèo và 2,92% số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh).
Tập trung xây dựng thương hiệu của sản phẩm của địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế
Việc thực hiện theo các chính sách của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, ưu tiên phát triển các cây trồng, vật nuôi truyền thống, có thế mạnh; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, chuẩn bị tốt các điều kiện ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Ưu tiên nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của vùng dân tộc thiểu số, khai thác lợi thế ẩm thực đa dạng, các sản phẩm nông nghiệp, trồng phát triển dược liệu, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế; tiểu thủ công nghiệp phong phú để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo; tập trung xây dựng thương hiệu của sản phẩm của địa phương (sản phẩm OCOP).
Tỉnh luôn tập trung đầu tư hạ tầng điện, đường cho vùng đồng bào DTTS cụ thể: xây mới các trạm biến áp và gần 5,5 km đường dây trung thế, hạ thế; tiếp tục cải tạo nhiều đường dây trên địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS. Bố trí, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, ngoài ra nguồn vốn tín dụng cho vay tại Ngân hàng chính sách cho các đối tượng chuyển đổi nghề; hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư.
100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn văn hóa
Tỷ lệ xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn văn hóa 100%; có nhà văn hóa đạt chuẩn quốc gia: 100%; tỷ lệ thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng: 100%. Chính sách đào tạo nghề cho người lao động được quan tâm chỉ đạo 3 thực hiện, trên địa bàn đã lồng ghép thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó năm 2023, kinh phí chi đào tạo nghề người dân tộc thiểu số đạt trên 140 triệu đồng. Công tác an sinh, xã hội, những năm qua từ tỉnh đến các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tích cực huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… chung tay chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, mọi người, mọi nhà đều có Tết, thực hiện tốt công tác an sinh, xã hội.
99,69% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt
Tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trong lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DTTS; thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người học là người DTTS, như chính sách ưu tiên tuyển sinh, miễn, giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ học tập (tiền, gạo, sách vở, đồ dùng học tập) nhằm tăng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, tăng tỉ lệ học sinh DTTS hoàn thành các cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; 100% trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc 7 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi và trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đều là trường học đạt chuẩn quốc gia; điều kiện về cơ sở vật chất, sách giáo khoa, thiết bị dạy học tại các trường học vùng DTTS&MN được đảm bảo theo quy định, đáp ứng cơ bản nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh. Chất lượng giáo dục của các trường học vùng DTTS&MN khá tương đồng với mặt bằng chất lượng chung toàn tỉnh. Chế độ, chính sách cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông người DTTS được đảm bảo theo đúng quy định. Các chỉ số liên quan đến giáo dục đều đạt tỉ lệ cao: Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi người DTTS tới trường đạt 99,7%; tỷ lệ học sinh người DTTS trong độ tuổi tiểu học tới trường đạt 99,97%; tỷ lệ học sinh người DTTS trong độ tuổi THCS tới trường đạt 98,98%; tỷ lệ học sinh người DTTS trong độ tuổi THPT tới trường đạt 93%; tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 99,69%.
Người dân kịp thời được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước
Công tác truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, cụ thể: đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền qua viết tin, bài, phóng sự tuyên truyền hoạt động trợ giúp pháp lý. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và các địa phương về lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bảo đảm cho người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số được kịp thời tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước. Từ 01/01/2022 đến 31/12/2023, Trung tâm trợ giúp pháp lý phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Nho Quan, Ủy ban nhân dân 09 xã thụ hưởng Chương trình triển khai thực hiện việc bảo đảm quyền của người dân thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Chương trình MTQG tại các nội dung số 03 của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10, cụ thể: Tổ chức 18 Hội nghị Tuyên truyền pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho hơn 1.800 người dân. Tại các hội nghị, Trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên của Trung tâm đã thực hiện tư vấn pháp luật, giải đáp những vướng mắc pháp luật liên quan đến các lĩnh vực: Dân sự, đất đai, lĩnh vực pháp luật khác cho những người có yêu cầu; cấp phát 8000 tờ gấp về 4 chính sách dân tộc thiểu số và miền núi; 4.500 bản cẩm nang về trợ giúp pháp lý cho người dân tham dự Hội nghị và UBND các xã dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Đài Truyền thanh huyện Nho Quan và Ủy ban nhân dân 09 xã vùng miền núi thực hiện chuyên mục trợ giúp pháp lý; phát thanh trên hệ thống truyền thanh ở địa phương với thời lượng 4 lần/tháng/số và đăng tải trên Báo Ninh Bình 1 tháng/số phát tới thôn, bản; tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng điểm về kỹ năng, kiến thức trợ giúp pháp lý cho 160 cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý (Điều tra viên, cán bộ điều tra và Công an các xã, thị trấn) và 810 người là hòa giải viên, trưởng thôn, trưởng bản, cán bộ chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng trên địa bàn huyện Nho Quan; Trung tâm trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng…; qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số giải quyết các vướng mắc trong các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, hành chính, khiếu nại, tố cáo… Trong thời gian từ 01/01/2021 đến 31/12/2023, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 1.028 vụ việc cho người được trợ giúp pháp lý (Tư vấn 496 trường hợp, tham gia tố tụng 526 trường hợp và đại diện ngoài tố tụng 06 trường hợp), trong đó: trợ giúp pháp lý cho 112 người dân tộc thiểu số (tư vấn pháp luật cho 95 lượt người DTTS ở địa bàn huyện Nho Quan; tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ cho 17 người DTTS thuộc diện được trợ giúp pháp lý).
100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia
Đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; công tác phòng chống và kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, ngành y tế chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân. Tỷ lệ phụ nữ có thai được được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế đạt 100%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi toàn tỉnh năm 2023 đạt dưới 18,4%. Tỷ lệ xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia là 100%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ là 100%; tỷ lệ thôn, bản có cán bộ y tế là 100%; tỷ 5 lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 100%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch (nước máy) khoảng 10%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh 100%.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có các tà giáo, đạo lạ
Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số cơ bản ổn định; đồng bào DTTS chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc tiểu số trong truyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có các tà giáo, đạo lạ, di cư tự do, nạn phá rừng, buôn bán ma túy, phụ nữ, trẻ em và tội phạm khác. Phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, dự luận của đồng bào và những sơ hở trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu, dự án, tiểu dự án, chính sách đang diễn ra tại địa phương.
Có thể nói rằng, quá trình thực hiện các chính sách dân tộc thời qua đã từng bước làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội, góp phần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống đồng bào đã được cải thiện một bước, công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng; vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước được giải quyết; nhiều tiêu cực xã hội được đây lùi; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rõ rệt, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã từng bước tiếp cận những thành tựu của khoa học kỹ thuật, đoàn kết thống nhất, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động đồng thuận, vui mừng, phấn khởi, tích cực thi đua lao động, sản xuất, công tác, học tập, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bảo Trân
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?