Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Nho Quan tích cực phát triển sản phẩm OCOP

Thứ tư, 28/08/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Huyện Nho Quan nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Bình, có địa hình khá đa dạng được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi, vùng chiêm trũng và vùng đồng bằng bán sơn địa, đặc biệt nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Động Vân Trình, hang Bụt, Động Thiên Hà, Hồ Đồng Chương; Suối nước khoáng Cúc Phương… Phát huy những thế mạnh này, huyện Nho Quan chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững theo lợi thế của từng địa phương.

Thời gia qua, huyện Nho Quan đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết thị trường tiêu thụ; đồng thời, chú trọng nâng cao giá trị gắn với việc phát triển các nhóm cây trồng chủ lực.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Nho Quan đã hình thành các vùng sản xuất nhóm cây trồng chủ lực như: Vùng sản xuất cây na trái vụ, dứa tập trung tại xã Phú Long, vùng sản xuất cây mía, chủ yếu tập trung tại các xã Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương; vùng sản xuất cây dược liệu (Trà hoa vàng), tập trung chủ yếu tại các xã (Gia Lâm, Cúc Phương); vùng sản xuất rau - củ - quả an toàn, tập trung tại các xã (Lạng Phong, Đồng Phong, Phú Sơn, Sơn Lai…).

Các vùng sản xuất nhóm cây trồng đặc sản của địa phương cũng được hình thành đó là: Vùng sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao (Nếp hạt cau) tập trung tại các xã (Kỳ Phú, Thanh Lạc, Quỳnh Lưu…), vùng sản xuất cầy Bùi Kỳ Lão tại xã Kỳ Phú...

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, Nho Quan đã tích cực triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính từ năm 2020 đến năm 2023, toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP (8 sản phẩm đạt 4 sao; 08 sản phẩm đạt 3 sao).

Sản phẩm nhung hươu: Với những lợi thế như khí hậu, nguồn thức ăn, kinh nghiệm chăm sóc... những năm gần đây nhung hươu mang thương hiệu “Cúc Phương” được khách hàng, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, do đó nhiều hộ dân nơi đây đang có cơ hội trở thành hộ khá giả từ nghề nuôi hươu.

Nuôi hươu lấy nhung tại xã Cúc Phương. Ảnh (nbtv.vn)

Hiện nay, xã Cúc Phương có trên 200 hộ nuôi hươu, với tổng đàn trên 1.000 con, giúp cho kinh tế địa phương có nhiều khởi sắc, 80% trong số đó đang ở trong độ tuổi trưởng thành. Hươu cho lộc 1 lần/năm với số lượng khoảng 7 lạng nhung/con, cá biệt có con hươu cho hơn 1kg nhung/năm. Hiện tại, nhung hươu được bán tại Cúc Phương có giá dao động từ 1,6 triệu đến 2 triệu đồng/lạng, một con hươu bình quân cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/năm.

Ngoài việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi, tại Cúc Phương nhiều năm nay còn có nghề thu hái lá rừng cho hươu. Thường thì mỗi con hươu trưởng thành ăn hàng chục kg lá/ngày, do đó nhiều gia đình chăn nuôi quy mô lớn hàng chục con đã tính đến phương án trồng thêm cây cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho hươu. Nhiều năm nay, nhờ giá lộc hươu luôn ổn định nên nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Đặc biệt không ít hộ khó khăn đã trở thành hộ khá giả, với thu nhập hằng năm đạt từ 100 tiệu đến 200 triệu đồng/năm.

Sản phẩm mật ong rừng Cúc Phương đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao: Rừng quốc gia Cúc Phương là khu rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam với thảm thực vật vô cùng phong phú. Tận dụng lợi thế này, những năm qua, người dân xã Cúc Phương đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất và phát huy ưu thế của mô hình kinh tế tập thể, trong những năm gần đây, sản phẩm mật ong rừng của HTX sản xuất và tiêu thụ mật ong Cúc Phương đã nâng cao được giá trị, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Sản phẩm mật ong rừng Cúc Phương. Ảnh: Thành Trung

 Mỗi năm, HTX ước thu khoảng 30 tấn mật ong, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên HTX và nhân dân quanh vùng, là hướng phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.

Mỗi sản phẩm mật ong đều có tem, mã vạch riêng truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm mật ong rừng Cúc Phương đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Trà hoa vàng Cúc Phương sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Ngọc

Trà hoa vàng thuộc chi trà (Camellia) họ chè (Theaceae) là một cây dược liệu được trồng nhiều tại các tỉnh miền Bắc nước ta. Tại Ninh Bình, trà hoa vàng của Công ty TNHH Vũ Gia được trồng tại xã Cúc Phương, huyện Nho Quan và sản phẩm này đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao từ năm 2020.

Sản phẩm “Trà hoa vàng Cúc Phương” đã được tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao; là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất sắc tỉnh Ninh Bình”. Vùng trồng trà Cúc Phương được Cục Y Dược cổ truyền Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt “Tiêu chuẩn thực hành tốt” của Tổ chức Y tế thế giới (GACP WHO).

Sâm Cúc Phương - sản vật quý ven rừng nguyên sinh. Ảnh: Hồng Nhung

Sâm Bố chính (xã Yên Quang) do Hợp tác xã Cúc Phương Sâm Bochi làm chủ là một vị thảo dược thiên nhiên quý hiếm, từ ngàn xưa đã được sử dụng trong các bài thuốc dân gian Đông y với công dụng tuyệt vời giúp tăng cường khí huyết, điều trị bệnh suy nhược cơ thể, kém ăn, đau lưng, vô sinh và mất ngủ và nhiều bệnh khác. Trong môi trường thổ nhưỡng và khí hậu của rừng quốc gia, Sâm Cúc Phương Bochi đã cho ra những dược tính tốt với hàm lương cao, đặc biết tốt cho quá trình chống lão hoá, kìm hãm và điều trị chống ung thư.

Mô hình trồng sâm Cúc Phương Bochi canh tác theo quy trình hữu cơ, không dùng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, chỉ chăm sóc bằng vi sinh, đạm cá, trùn quế..., ứng dụng công nghệ cao ở những công đoạn như tưới nước tự động, sấy lạnh... Sâm Bochi Cúc Phương có dược tính rất cao, qua kiểm nghiệm cho thấy loài sâm này rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước nên cho ra sản phẩm nhiều hàm lượng dinh dưỡng và các hoạt chất như: Saponin, Omega 3, Omega 6...và các vi khoáng như sắt, canxi. Sâm Bố Chính có vị ngọt, tính mát, có một số tác dụng: điều trị ho, tác dụng bồi bổ cơ thể, hỗ trợ thải độc, chống oxi hóa... 

Hiện HTX đang cho ra các sản phẩm như: Sâm tươi, trà sâm, bột sâm, sâm thái lát... Mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 10 tấn/ha sâm tươi. Với 250 nghìn - 400 nghìn/kg củ tươi, sau khi trừ hết chi phí, người dân thu lời từ 250-300 triệu/ha/năm. HTX cũng tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu/người/tháng.

Mô hình trồng sâm Cúc Phương Bochi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn mà mở ra triển vọng phát triển đa dạng các loại cây trồng có giá trị ở vùng đồi núi của huyện Nho Quan./.

Thu Thảo

 

 

 

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?