Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Nghệ thuật Xoè Thái được UNESCO vinh danh Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Thứ sáu, 22/09/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 7 điểm ( 2 đánh giá )

Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vào chiều 15/12/2021.

Biểu diễn Xoè Thái. Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Tại kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Paris (Pháp) ngày 15/12/2021, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (theo giờ Việt Nam lúc 17 giờ 15).

UNESCO đánh giá Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Theo hồ sơ, Xòe có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng.

Xòe có 3 loại chính: 

1.    Xòe nghi lễ

2.    Xòe vòng

3.    Xòe biểu diễn. 

Các điệu xòe nghi lễ và xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa... Xòe vòng phổ biến nhất là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.

Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình cuộc sống. Người Thái có câu: "Không xòe, không tốt lúa/ Không xòe, thóc cạn bồ/ Không xòe, hoa sẽ tàn héo/ Không xòe, trai gái không thành đôi".

Ngày nay, xòe được trình diễn phổ biến trong hầu hết các hoạt động văn hóa, những dịp Tết, lễ (lễ mừng nhà mới, đám cưới, lễ mừng cơm mới...) của đồng bào Thái. Đó không chỉ là những điệu múa đơn thuần mà mỗi chuyển động, dáng điệu, cách xếp đội hình đều mang những sắc thái riêng, thể hiện những câu chuyện, thông điệp khác nhau: Tình yêu cuộc sống, tình cảm nam nữ, niềm vui lao động... Nghệ thuật xòe hôm nay đã trở thành biểu tượng của sự cởi mở, lòng hiếu khách, là dấu ấn văn hóa tộc người và bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.

Với những nét đặc trưng độc đáo, lại được các thế hệ người Thái bảo tồn và phát triển, Xòe Thái đã thực sự trở thành tài sản văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng. Nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ VH,TT&DL công nhận trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013.

Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa là niềm tự hào của đất nước vừa nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc tiếp tục lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc trong vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái nói riêng, tính đa dạng, đậm đà bản sắc của văn hóa Việt Nam nói chung.

Thành Trung (t/h)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?