Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Nét đẹp trong lễ cưới của người Dao đỏ

Thứ tư, 13/04/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của đồng bào các dân tộc đã bị mai một theo thời gian, nhưng những nghi lễ, nghi thức trong đám cưới cổ truyền vẫn được người Dao đỏ ở Lào Cai lưu truyền để giáo dục cho con cháu đời sau. Lễ cưới là một trong những sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Dao đỏ, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hoá, lịch sử.

Đoàn kèn trống rước dâu của nhà trai

Nghi lễ truyền thống

Lễ cưới của người Dao đỏ ở Lào Cai trước đây thường diễn ra trong 3 ngày 3 đêm nhưng nay đã được rút ngắn lại theo nhịp sống văn hóa mới. Lễ diễn ra 1 ngày 1 đêm ở nhà trai, còn nhà gái chỉ tổ chức 1 bữa ăn vui vẻ đưa cô dâu về nhà chồng. Trước khi cô dâu về nhà chồng, thầy mo cúng trình báo tổ tiên nhà gái. Lễ vật gồm: 1 thủ lợn, 1 con gà luộc, 1 đĩa xôi màu đỏ, 1 chai rượu, 6 chiếc chén đặt trước bàn thờ tổ tiên.

Người Dao đỏ quan niệm, khi người đi lấy chồng không để mặt trời nhìn thấy bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp may trong cuộc đời sau này. Khi đoàn đưa dâu đến gần nhà trai sẽ phải nghỉ chân trên đường, chờ người dẫn đường của nhà trai về báo trước. Nhà trai sẽ cử một đoàn kèn, trống và ông chủ lễ ra cổng đón. Trong lúc hai bên gặp nhau thường diễn ra cuộc hát đối đáp và mời nhau uống rượu.

Đoàn đưa dâu của nhà gái dù gần hay xa đều phải nghỉ lại nhà trai một đêm trong gian buồng tạm trú. Nơi ngủ được làm tạm ở góc đầu đốc nhà chỉ kê vừa một chiếc giường.

Thầy cúng thực hiện các nghi thức nhằm đuổi tà ma 

Thầy mo sẽ cúng trình báo tổ tiên nhà trai rồi thay mặt gia chủ mời tổ tiên về dự và phù hộ cho hai gia đình cùng đôi vợ chồng trẻ. Bữa tiệc mở đầu cho lễ cưới họ nhà trai diễn ra vui vẻ, đội kèn nhập mâm đón cô dâu vào nhà. Theo cách chọn giờ của người Dao đỏ thì khi cô dâu vào nhà chính phải vào lúc từ 2 đến 11 giờ. Đó là khoảng giờ tốt nhất cho cô dâu và chú rể sau này.

Trang phục cô dâu

Nổi bật nhất trong đám cưới là hình ảnh cô dâu mới trong bộ trang phục truyền thống. Cô dâu đội một chiếc khăn đỏ lớn trùm đầu, bên trên là chiếc mũ đỏ màu cờ, đính nhiều nụ hoa tết từ len đỏ, cài xen những lắc nhạc đồng. Bộ trang phục ấy như kết tinh của văn hóa truyền thống dân tộc Dao và thể hiện được sự khéo léo của người con gái.

Cô dâu đội một chiếc khăn đỏ lớn trùm đầu 

Từng đường kim mũi chỉ tinh xảo, từng họa tiết thổ cẩm đặc sắc như tâm tình của cô gái nhỏ nôn nao, vui sướng và chờ mong một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nét đẹp quyến rũ, nụ cười hân hoan trên khuôn mặt cô dâu ngày cưới rạng rỡ giữa khung cảnh núi rừng thơ mộng.

Cô dâu sẽ được phù dâu che ô và bước vào trước cửa nhà nhưng vẫn phải quay mặt ra ngoài. Nhà trai lấy một chậu nước, trên chậu đặt một con dao, một đôi giày mới, chuẩn bị ba cành đào hoặc ba cọng gianh tươi. Thầy cúng sẽ thực hiện các nghi thức nhằm đuổi tà ma, sau đó cô dâu bước vào nhà, dừng trước chậu nước, bỏ đôi hài cũ ra, giơ chân qua trên chậu nước, con dao đặt trên chậu nước được bỏ ra, một em bé trai hoặc bé gái thuộc nhà trai rửa chân cho cô dâu và đi hài mới vào chân cho cô dâu.

Khi các nghi lễ được tổ chức xong xuôi, cô dâu chú rể vào nhà quỳ lạy trước bàn thờ tổ, nhận chén rượu và trang sức vàng bạc do cha mẹ chồng trao tặng. Khung cảnh hai vợ chồng trẻ buộc dải khăn đỏ như thể hiện sợi dây tơ hồng gắn kết tình yêu của họ, như lời chúc phúc cho cuộc sống hạnh phúc bền lâu./.

Theo dangcongsan.vn.

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?