Với người Mường cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tín ngưỡng giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như sinh hoạt, lao động của họ.
Các dân tộc miền núi phía Bắc có rất nhiều tín ngưỡng thờ phụng. Đối diện cuộc sống nơi núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, họ càng cần nhiều hơn niềm tin tâm linh, làm chỗ dựa để vượt qua những khó khăn. Trong số đó, phải kể đến các tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Mường.
Tín ngưỡng thờ đá
Người dân tộc thường thờ những hòn đá có hình thù kỳ lạ, liên tưởng đó là các vị thần, thánh đã giúp con người chinh phục thiên nhiên. Tục thờ đá được thể hiện rõ nét nhất ở trong lễ mừng nhà mới với các ông đầu rau (hòn nục chủ và hai hòn nục treo), thờ các vị chư thần thổ địa, thờ thần đá (bụt mọc).
Người dân tộc Mường ở Cao Phong (Hòa Bình), ngày nay vẫn còn tồn tại truyền thuyết về thần đá. Bấy giờ, khi khơi dòng lấy nước làm ruộng, gặp phải hòn đá chắn dòng, người dân bẩy đi chỗ khác để nước tiêu thông. Hôm sau, kỳ lạ thay khi hòn đá đã trở về chỗ cũ. Người dân lại tiếp tục đẩy xa hơn nữa nhưng liên tiếp nhiều ngày, sự lạ vẫn tiếp diễn. Theo lời thầy cúng, người dân bèn mang đá về thờ. Từ đó cuộc sống được thần đá phù hộ, khiến mưa thuận gió hòa. Tục thờ thần đá cũng có từ lúc đó.
Tín ngưỡng thờ cây
Người Mường cho rằng có những loài cây có tính linh thiêng, là nơi trú ngụ của các lực lượng siêu nhiên, người dân tộc coi việc thờ cây có ý nghĩa quan trọng. Các loại cây được tôn làm vật thiêng và thờ cúng là si, chu đồng, đa, gạo… Thậm chí, nhiều loại cây xuất hiện rất sớm trong các tác phẩm văn học dân gian truyền miệng, điển hình như tác phẩm “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường (Hòa Bình).
Một số dân tộc khác còn có tục thờ mía trong các đám tang hay trở thành lễ vật trong đám cưới truyền thống. Trong các ngày lễ mừng cơm mới, họ còn có tục thờ lúa nương, với quan niệm cây lúa cũng có linh hồn, nếu chăm chỉ cầu khấn, lúa Mẹ sẽ gọi vía các lúa con về sinh sôi nảy nở, giúp cho cuộc sống của người dân thêm no đủ.
Tín ngưỡng thờ động vật
Cuộc sống nơi núi rừng hàng ngày đều đối mặt với các loài muông thú, đa phần các dân tộc đều cho rằng thú rừng như hổ, hươu, nai… đều là những con vật linh thiêng, vừa là nguồn thức ăn quý giá, vừa là vật tế lễ, chứa đựng những sức mạnh siêu nhiên. Nếu thờ cúng, người đi rừng sẽ tránh được tai họa, có thêm sức mạnh.
Ngoài động vật trong rừng, các vật nuôi trong nhà như trâu, bò, lợn, gà… đều được cho là những con vật có linh hồn. Các bài văn nói trong đám tang cổ truyền của một số dân tộc có những đoạn kể tạ ơn các con vật đã gắn bó thân thiết với con người. Ví dụ khá độc đáo, người Mường có tục thờ Cóc, là loài đã có công gọi mưa và đem lại sự sinh sôi nảy nở cho dân bản, hình tượng cóc đã được đúc trên mặt các trống đồng ở Hòa Bình còn được lưu giữ đến nay. Trong các đám tang một số dân tộc, còn thấy xuất hiện các hình tượng cờ con cá, đại diện cho nước và cờ con hươu, đại diện cho trên cạn, cùng dẫn đường cho linh hồn người chết về với cõi trời.
Tín ngưỡng dân gian đã tác động vào mọi mặt đời sống của người Mường, hình thành một hệ thống nghi lễ, phong tục tập quán bền vững trong sản xuất, đời sống xã hội và tâm thức, tình cảm, nếp nghĩ của mỗi người dân Mường. Tín ngưỡng đã đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của con người và cộng đồng dân tộc. Sinh hoạt lễ hội diễn ra thường xuyên đã làm cho đời sống văn hóa tinh thần trở nên phong phú, góp phần quan trọng xây dựng kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường.
Huy Minh
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?