Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Mo Mường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Thứ bảy, 17/08/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Giai đoạn 2019-2024, công tác dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, gia đình đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều Kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc tiêu biểu của văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là của dân tộc Mường.

Biểu diễn Mo Mường tại lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể huyện Nho Quan năm 2023. Ảnh: Minh Quang (baoninhbinh.org.vn)

Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 22/02/2022 bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Một số nhiệm vụ, giải pháp chính của Kế hoạch là: Khảo sát, kiểm kê loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức văn hóa và các chủ thể văn hoá (nghệ nhân, người có uy tín...) trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mường tại địa phương; tổ chức phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch; đưa dân ca, dân nhạc, dân vũ dân tộc Mường vào hoạt động giảng dạy và hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường; tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch; xây dựng các hành trình kết nối di sản dân ca, dân vũ gắn với phát triển du lịch; ứng công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch.

Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 31/3/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra trong Quyết định số 85/QĐ-UBDT ngày 24/02/2022 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022 - 2025, góp phần vào thực hiện mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.  Đồng thời, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là trách nhiệm của gia đình người dân tộc thiểu số và miền núi trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, văn minh nhân loại và các thành tựu của khoa học công nghệ. Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là: chú trọng nhiệm vụ liên quan quan đến xây dựng gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đưa nhiệm vụ xây dựng gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội hàng năm, theo giai đoạn của đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao vui chơi giải trí lành mạnh thu hút sự tham gia của gia đình, thành viên gia đình gắn với đặc trưng văn hoá, truyền thống và tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Với những giá trị đặc sắc tiêu biểu của Mo Mường, ngày 09/4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 958/QĐ-BVHTTDL đưa Mo Mường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu cùng với tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh khác xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Hiện nay, Bộ hồ sơ đang được tỉnh Hòa Bình chủ trì xây dựng.

Bên cạnh đó, hằng năm, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh hướng dẫn lồng ghép các nội dung, chính sách dân tộc với thực hiện xây dựng các danh hiệu văn hóa; phát huy công năng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đảm bảo điều kiện sinh hoạt chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể thao cho người dân; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phát triển phong trào văn hóa, thể thao quần chúng nhằm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc… Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh thực hiện công tác gia đình, trong đó có nội dung chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các giải pháp, nhiệm vụ quan tâm đến gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tích cực xây dựng và giữ vững các danh hiệu văn hóa

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, cống hiến của toàn dân, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và nội lực của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tăng cường, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân vì một cộng đồng, xã hội tiến bộ, nhân văn. Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, bản, văn hóa nhất 3 là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng cao hơn, đi vào thực chất gắn với thực tiễn đời sống nhân dân được nhân dân tích cực hưởng ứng. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được các địa phương quan tâm đầu tư quy hoạch, xây dựng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở được quan tâm thực hiện góp phần xây dựng con người nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Từ năm 2019 đến năm 2023, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng các danh hiệu văn hóa tỷ lệ gia đình văn hóa trung bình đạt 82%, tỷ lệ khu dân cư văn hóa trung bình đạt 94% (năm 2023, số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa 12.410/15.041 đạt 82,50%; thôn, làng, phố và tương đương đạt danh hiệu văn hóa 84/89 đạt 94,38%).

100% xã, các thôn, xóm, làng, bản có Nhà văn hóa

Đẩy mạnh phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và chú trọng vào việc tổ chức hoạt động để phát huy được công năng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã góp phần thay đổi đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, 100% xã, các thôn, xóm, làng có Nhà văn hóa gắn liền với khu thể thao, sân thể thao đơn gian, đặc biệt đã đầu tư xây dựng sửa chữa, phục dựng lại nhà sàn truyền thống 10 nhà sàn làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường không gian sinh hoạt văn hoá cho đồng bào dân tộc Mường. Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là nơi sinh hoạt, hội họp cộng đồng ở khu dân cư, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn kết cộng đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu về văn hóa, văn nghệ, rèn luyện nâng cao sức khỏe của đông đảo người dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cơ sở ngày càng phát triển, các tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập và tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người và bồi dưỡng năng khiếu cho thanh, thiếu niên. Nhiều mô hình giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, sinh hoạt của người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc duy trì hoạt động có hiệu quả như: các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa Sạp; Cồng Chiêng; hát Đúm; Sắc bùa; Hát giao duyên tiếng Mường; Giai điệu Mường xưa, các… và những trò chơi dân gian: bắn cung, bắn nỏ, chọi gà, cờ bỏi, kéo co, bơi chải...

Nâng cao trách nhiệm trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh

Thời gian qua, các giải pháp và nhiệm vụ về phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện đồng bộ tại các cấp (đặc biệt tại huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp), từ đó nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là trách nhiệm của gia đình người dân tộc thiểu số và miền núi trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, văn minh nhân loại và các thành tựu của khoa học công nghệ.

Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh sẽ tiếp tục chủ đạo nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện các nội dung về công tác dân tộc, chính sách dân tộc lồng ghép chặt chẽ trong công tác văn hóa, thể thao, gia đình. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trong công tác gia đình, văn hóa, thể thao nói chung, trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói riêng. Tiếp tục nâng cao chất lượng Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, công tác gia đình; phát huy công năng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, gia đình tại địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân nói chung, vùng đồng bào dân tộc nói riêng./.

Thành Trung

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?