Nếu chưa từng một lần đặt chân đến vùng cao, miền núi xa xôi vào mùa đông, bạn sẽ không thể thấu được cái lạnh cắt da thịt nơi đây. Đó là cái rét buốt có thể khiến sự sống lụi tàn vì không đủ sức chịu đựng.
Với những đứa trẻ ở thành phố may mắn được cha mẹ ủ ấm bằng áo len, áo bông lúc trời chỉ vừa se lạnh, thì trẻ em vùng cao lại phải gồng mình chống lại buốt giá bằng đôi chân trần, chiếc áo cũ chỗ lành chỗ rách, thậm chí là không có đủ quần áo mặc và phải tắm bằng nước lạnh trong suốt mùa đông.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Mười (điểm lẻ Khe Kim), nơi chúng tôi ghé thăm có 89 trẻ em là dân tộc Dao, học từ lớp 1 đến lớp 5 ở bán trú tại trường từ thứ 2 đến thứ 6. Các gia đình ở đây cùng đóng góp củi để trường nấu ăn, đun nước uống cho các em và nếu còn củi thì mới có thể đun nước nóng cho trẻ em tắm và cũng không thể đủ nước nóng cho trẻ em của cả trường. Có gia đình còn chở cả can nước nóng đến để cho trẻ em tắm.
Trẻ em vùng cao đốt lửa để học bài.
“Một tuần em tắm từ một đến hai lần”, em Bàn Tiến Đức, học sinh lớp 5C trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Mười, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết.
Trẻ em ở các trường nội trú thường phải tắm ngoài trời ở bể nước của trường. Mới đầu giờ chiều, các em đã tranh thủ ra tắm bởi đó là lúc nhiệt độ lên cao nhất trong ngày. Lấy xô hứng nước lạnh chảy ra từ bể, các em để nguyên quần áo dội ào ào từ trên đầu xuống. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi không khỏi rùng mình, ớn lạnh trong nhiệt độ khoảng hơn 10 độ C. Khi được hỏi: “Các em không thấy lạnh à?” Các em cắn chặt đôi môi thâm tím và nói rằng: “Lạnh chứ ạ! Nhưng phải chịu thôi ạ!”.
Và phải tắm ngoài trời trong thời tiết lạnh giá.
Những ánh mắt ngây thơ, cố gắng chống chọi với mùa đông của các em thật sự khiến chúng tôi phải lặng mình suy ngẫm. Chúng ta không thể đem cuộc sống những đứa trẻ thành thị ra so sánh với cuộc sống của bạn bè đồng trang lứa chúng ở vùng cao, nhưng thực tế đây vẫn là hai mảng màu cuộc sống. Đây cũng chính là lý do mà những cá nhân, tổ chức vẫn luôn đồng hành cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hướng về vùng cao, miền núi để hỗ trợ cho trẻ em. Hiểu được nhu cầu cấp bách của trẻ em vùng cao, Công ty TNHH Ferroli Asean và Công ty Nhiệt Châu Âu (Rapido) đã hỗ trợ 255 bình nóng lạnh, thiết bị dạy và học, đồ dùng cho trẻ em tại 5 tỉnh miền núi, Tây Nguyên (Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái và Đắk Lắk) với trị giá gần 1,8 tỷ đồng.
Ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty Nhiệt Châu Âu (Rapido) trao tài trợ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN) với sự chứng kiến của Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ BTTEVN Võ Thị Ánh Xuân.
Bà Đặng Hoài, Phó tổng Giám đốc Ferroli Asean trao tài trợ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN) với sự chứng kiến của Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ BTTEVN Võ Thị Ánh Xuân.
Những món quà thiết thực và quý giá này đến với trẻ em vùng cao đúng những ngày đông lạnh giá và trước thềm năm mới 2022 để các em có một cái Tết và mùa đông ấm áp. Bà Đặng Hoài, Phó tổng giám đốc Công ty Ferroli Asean chia sẻ: “Thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Ferroli mong muốn góp sức sưởi ấm những tâm hồn bé nhỏ mong manh khỏi mùa đông lạnh giá và lan tỏa tình yêu thương tới cộng đồng để cùng chung tay giúp đỡ nhiều trẻ em khó khăn hơn nữa”./.
BCXB (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?