Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Lưu giữ nét văn hóa độc đáo dân tộc Mường, Nho Quan

Chủ nhật, 25/08/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, với dân số gần 160 nghìn người. Trên địa bàn huyện hiện có 15 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 17%. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt, là Vườn Quốc gia Cúc Phương nơi được vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á. Trải qua thời gian, con người Nho Quan đã tạo ra một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, trong đó nhiều di sản văn hóa vật thể có giá trị; cùng các lễ hội, nghề thủ công truyền thống, các món ẩm thực đặc trưng, các loại hình diễn xướng dân gian.

Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2024. ảnh (baodantoc.vn)

Những năm qua, ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc ở Nho Quan được tổ chức thường niên vào dịp đầu năm, đây là dịp truyền thông các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của dân tộc Mường với du khách trong và ngoài nước tham dự. Trong dịp này, các đặc sản núi rừng cũng được trưng bày để du khách hiểu hơn về đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào các dân tộc.

Huyện Nho Quan luôn quan tâm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Hát chèo, hát chầu văn; đưa các trò chơi và các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian vào các trường học. Các công trình di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm đầu tư, tôn tạo; các lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa được duy trì tổ chức hằng năm. Các nghề thủ công truyền thống được quan tâm duy trì, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo và có giá trị xuất khẩu cao; các sản phẩm OCOP, các mặt hàng nông sản được giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại rộng rãi.

Đặc biệt, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan là sự kiện được tổ chức thường niên, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần bổ ích, lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân trong huyện. Thông qua ngày hội, những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc được trình diễn và nâng cao ở nhiều hoạt động. Góp phần bảo tồn, phát huy; từng bước tạo thành sản phẩm du lịch để thúc đẩy ngành nghề du lịch, dịch vụ phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế.

Những lời thơ, ý nhạc đậm sâu còn là lời mời gọi thân tình, đắm say với du khách bốn phương về với miền đất Cách mạng Nho Quan và Cúc Phương đại ngàn… để cùng lan tỏa vẻ đẹp con người, thiên nhiên, trân trọng di sản văn hóa của quê hương.

Năm 2024, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan được tổ chức đầu năm đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách về dự hội. Đây là cơ hội để Nho Quan đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch cũng như các sản phẩm nông sản địa phương. tại sân vận động xã Cúc Phương. Với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như: hội trại, biểu diễn cồng chiêng, múa sạp và giao lưu nghệ thuật quần chúng; thi đấu các môn thể thao, các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo, đánh mảng, bắn nỏ… gắn với quảng bá, giới thiệu du lịch, sản phẩm OCOP, mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương.

Nhiều sự đổi thay lớn đối với mảnh đất miền núi sỏi đá Nho Quan sau vài năm trở lại đây. Đó là nhờ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả của tỉnh. Từ vùng đất khô cằn sỏi đá, các hình thức du lịch lưu trú home stay theo dạng nhà sàn, ki ốt du lịch để câu cá ở các tuyến hồ... đã được đồng bào đưa vào hoạt động để phục vụ du khách, đem lại diện mạo mới cho vùng quê nghèo.

Điểm nhấn của quần thể du lịch xanh là các công trình bằng tre thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á, như nhà đón tiếp xây dựng từ 23.000 cây tre và Trung tâm hội nghị với 113.000 cây tre; nhà hàng tre rộng hơn 1.000m2, có chiều cao 15 mét (tương đương một tòa nhà 5 tầng) được xây dựng từ hơn 70.000 cây tre để phục vụ các hoạt động hội nghị, team building… Toàn bộ các công trình này đều không sử dụng vật liệu kim loại để kết nối các thân tre, mà thay vào đó bằng việc dùng kĩ thuật đặc biệt để ghép bởi các thanh tre vót nhọn và dây dù.

Nhằm lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường Cúc Phương. Trong tương lai sẽ hiện hữu một nhà Bảo tàng văn hóa Mường với quy mô 1000 m2, hiện thực hóa kỳ vọng mỗi công trình được xây dựng sẽ là một sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa bản địa.

Cùng với những công trình kiến trúc độc đáo, với sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người bản địa, không gian trong lành của đại ngàn Cúc Phương và những không gian văn hóa đã và đang được gìn giữ, du lịch Nho Quan đang kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong bối cảnh du lịch Việt Nam phục hồi và khởi sắc./.

Thu Thảo

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?