Bà Ngân Thị Nam, một người Mường ở thôn Dhung Knung, xã Cư Pui cho biết: Lễ mừng cơm mới được tổ chức sau khi thu hoạch vụ mùa. Dù được mùa hay mất mùa, các gia đình người Mường ở đây đều làm lễ cúng cơm mới để dâng lên ông bà, tổ tiên.
Bà Ngân Thị Nam đang giã gạo để chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới.
Theo quan niệm của người Mường, sau khi lúa được đưa về nhà, gạo mới nấu thành cơm phải đem cơm đó cúng ông bà tổ tiên trước, sau đó mới được ăn. Nghi lễ này của người Mường ở các vùng không hoàn toàn giống nhau. Ở các tỉnh phía Bắc, người Mường bắt đầu cho nghi lễ mừng cơm mới bằng việc đi rước vía lúa về nhà. Đến thời điểm lúa chín, người chủ gia đình chọn ngày tốt ra thăm ruộng, ngắt bảy hoặc chín bông nếp cái đẹp (tượng trưng cho bảy vía hoặc chín vía lúa) ở ruộng nhà mình tết lại thành một bó nhỏ đem về treo ở đầu cột cái trong nhà, nơi cạnh bàn thờ tổ tiên. Sau nghi lễ đầu tiên này, mọi người trong nhà mới được ra đồng gặt lúa. Đến khi lúa mùa thu hoạch xong, vào tháng 10 âm lịch họ bắt đầu làm mâm cỗ cúng. Phụ nữ sẽ mặc trang phục truyền thống để giã gạo, và tiếng chiêng, tiếng trống âm vang trong lễ mừng cơm mới…
Khi di cư vào Đắk Lắk, nhiều thủ tục được giảm bớt và lễ mừng cơm mới cũng không còn nhộn nhịp như ngoài Bắc. Người Mường ở đây không thực hiện nghi lễ đi rước vía lúa mà chỉ làm lễ cúng cơm mới khi mùa màng đã thu hoạch xong.
Mâm cỗ cúng cơm mới của người Mường tùy theo mỗi gia đình nhưng nhất định phải có các món: cơm, cá, gà, thịt lợn, canh măng chua nấu cá hoặc gà. Cơm dùng để cúng phải được nấu từ gạo mới trong vụ mùa vừa gặt. Sau khi gia chủ chuẩn bị xong đồ lễ sẽ là công việc của thầy cúng. Người Mường rất coi trọng nghi lễ này, thế nên việc xem ngày và cúng thường phải nhờ đến các bậc cao niên, người có uy tín và am hiểu tục lệ. Thầy cúng cũng chính là chủ lễ, đại diện cho chủ nhà ăn mặc chỉnh tề bước lên bàn thờ tiến hành làm lễ. Nội dung cúng thể hiện ý nghĩa: lúa gạo là tinh hoa của đất trời, là sản phẩm nuôi sống con người, và hôm nay con cháu mang những gì ngon nhất, đẹp nhất cúng trời đất, mời tổ tiên, cảm tạ các vị thần đã mang đến cho gia đình, bản làng vụ mùa no ấm. Cầu tổ tiên, thần thánh phù hộ cho mùa màng tiếp theo được mưa thuận gió hòa.
Sau khi nghi lễ cúng kết thúc, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng thưởng thức thành quả lao động của mình. Trong bữa ăn mừng cơm mới thường có đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cháu tụ họp vui vẻ, hàng xóm láng giềng dành cho nhau những lời hay ý tốt, động viên nhau cố gắng trong những mùa vụ tiếp theo. Nhà nào có điều kiện thì sẽ làm lễ mừng cơm mới lớn, còn không thì gói gọn trong vi phạm gia đình.
Theo bà Bùi Thị Huyền, người dân tộc Mường ở thôn 6, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông), lễ mừng cơm mới và khai hạ là hai nghi lễ lớn nhất của dân tộc Mường khi di cư vào Đắk Lắk. Ngoài mang ý nghĩa giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn và tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên thì đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau mừng thành quả lao động sau một vụ làm ăn vất vả…
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?