Cây Xoan ta (còn gọi là Sầu đông, Thầu đâu) có tên khoa học là Melia azedarach L thuộc họ Xoan Meliaceae. Cây gỗ nhỡ, có chiều cao từ 15 - 20m, cây được trồng phổ biến trong vườn, vùng đồng đối, núi... Gỗ Xoan ta nhẹ, dễ bào nhẵn, cưa xẻ và chạm trổ được dùng để đóng đồ mộc, dùng trong xây dựng, đồ dùng trong gia đình.
Trồng xoan lấy gỗ. Nguồn internet.
Thời vụ trồng
Thời vụ trồng có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây xoan ta. Vì vậy cần lựa chọn thời vụ trồng thích hợp với từng nơi trồng rừng. Cây xoan ta rất dễ trồng có thể tiến hành trồng quanh năm. Nhưng để giảm công chăm sóc nên trồng vào mùa Xuân và mùa Thu. Mùa Xuân trồng bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch. Mùa Thu trồng từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch hàng năm.
Môi trường trồng
Cây Xoan ta thích hợp nơi có nhiệt độ trung bình năm từ 160C – 220C, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.700mm – 2.000mm.
Cây Xoan ta sống và sinh trưởng phát triển trên đất nhiều mùn, đất ẩm ven khe suối, thành phần cơ giới thịt nhẹ đến, độ pH từ 5,0 – 6,0.
Cây Xoan ta thích hợp trên nhiều dạng địa hình khác nhau, có thể trồng ở nơi có độ cao địa hình dưới 1.000 m; trong đó, điều kiện tối ưu để gây trồng có độ cao dưới 500m - 700m so với mực nước biển, độ dốc < 250.
Bà con có thể trồng cây xoan ta bằng cây con hoặc gieo thẳng. Tùy vào phương thức trồng để lựa chọn phương pháp trồng. Đối với trồng tập trung có thể áp dụng gieo hạt trực tiếp. Trồng cây phân tán nên trồng cây con.
Chọn cây khỏe mạnh, xanh tốt, không cong queo, không cụt ngọn, không bị sâu bệnh và chưa ra lá non. Tuổi từ 9 - 12 tháng, chiêu cao cây 1,5 - 2,0m và có đường kính cổ rễ từ 2 - 3cm. Hoặc có thể trồng cây con có kích thước nhỏ hơn khi cây con từ 4 - 5 tháng tuổi, cây cao 25 - 30 cm, đường kính cổ rễ từ 0,4 - 0,6cm.
Để đạt hiệu quả cao khi trồng nên chọn cây có bầu đặc biệt là cây nuôi cấy mô bởi tỷ lệ sống sau trồng cao. Cây nuôi cấy mô còn có tốc độ sinh trưởng nhanh, độ đồng đều cao và có khả năng đáp ứng được số lượng giống lớn để trồng đúng thời vụ.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoan ta
Trước khi trồng bà con cần cày bừa đất kỹ, lên luống rộng 0,8-1m, cao 15-20cm, chân luống rộng 1-1,2m, rãnh luống rộng 35-40cm.
Sau đó bón lót phân chuồng hoai 3-4 kg/m2, trộn đều và san phẳng mặt luống. Chọc lỗ sâu 4-5cm, cự ly 30x30cm, và gieo hạt đã xử lý vào mỗi lỗ. Cần tưới nước đẫm sau khi gieo, định kỳ 2-3 ngày tưới một lần, lượng tưới 2- 3 lít/m2.
Định kỳ 20-30 ngày làm cỏ xới váng một lần, 4-5 ngày tưới nước một lần, lượng tưới 4-6 lít/m2. Chống úng khi mưa to và phát hiện có rệp sáp bám quanh thân phải tuốt bỏ, quét nước vôi đặc lên thân để phòng trừ.
Nên trồng cây vào những ngày râm mát, có mưa nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm. Khi trồng cây bà con cần lưu ý rải cây đến đến đâu, trồng ngay đến đó và trồng hết trong ngày.
Dùng cuốc hoặc bay moi đất ở giữa hố vừa đủ đặt bầu cây vào và sâu hơn chiều dài của bầu 1 - 2cm. Xé bỏ vỏ bầu và đặt cây con thẳng đứng vào giữa hố, tránh làm vỡ bầu. Lấp đất và nén chặt xung quanh bầu, vun đất thành hình mâm xôi, cao hơn cổ rễ khoảng 1 - 2cm, sau đó dùng cỏ rác tủ gốc giữ ẩm cho cây.
Nếu trồng bằng cây rễ trần cần chú ý tránh làm cuộn rễ, phải giữ nguyên hình dạng của bộ rễ khi trồng.
Sau trồng 15 - 20 ngày cần kiểm tra và tiến hành trồng dặm những cây bị chết để đảm bảo độ đồng đều của rừng trồng.
Nếu trồng bằng hạt thì hạt đã được xử lý hạt bằng nước nóng. Ngâm hạt trong nước có nhiệt độ 70 – 80°C trong 24 giờ, sau đó xả sạch bằng nước lạnh và đem ủ tiếp 3 – 4 ngày rồi đem gieo. Ngoài ra có thể sử dụng phương pháp đốt để xử lý hạt giống: đào hố, cho hạt xuống, lấp một lớp đất bột, tủ rơm rạ rồi đốt. Sau khi đốt trộn đều tro nóng với hạt trong hố, ủ từ 2 – 3h rồi đem gieo.
Nên gieo mỗi hố 2 - 3 hạt/hố, lấp đất kín hạt dày 3 - 4 cm. Sau khi hạt nảy mầm được 20 - 25 ngày cần tiến hành tỉa bớt những cây mầm ở những hố mọc nhiều cây dặm vào những hố không có cây đảm bảo mỗi hố có 1 cây khỏe mạnh.
Lưu ý: Trồng, tỉa dặm vào những ngày thời tiết râm mát hoặc có mưa nhỏ, đất rừng đủ ẩm.
Rừng trồng được chăm sóc trong 05 năm (60 tháng tính từ thời điểm trồng rừng), với số lần chăm sóc cho các năm 3 – 3 – 2 – 1 - 1, cụ thể:
Chăm sóc năm thứ nhất và năm thứ hai: Mỗi năm chăm sóc 03 lần.
Lần 1: Vào tháng 3 - 4. Nội dung: Phát dọn thực bì theo băng trồng, không chặt cây gỗ và cây tái sinh mục đích (nếu có), cắt bỏ dây leo bu bám trên cây trồng.
Lần 2: Vào tháng 7 - 8. Nội dung: Phát dọn thực bì theo băng trồng, không chặt cây gỗ và cây tái sinh mục đích (nếu có), cắt bỏ dây leo bu bám trên cây trồng.
Lần 3: Vào tháng 11 - 12. Nội dung: Phát dọn thực bì theo băng trồng, không chặt cây gỗ và cây tái sinh mục đích (nếu có), cắt bỏ dây leo bu bám trên cây trồng. Dẫy cỏ và cuốc thục quanh gốc cây với đường kính 0,8 m – 1,0 m, bón phân thúc phân NPK, liều lượng 0,1 kg – 0,5 kg/hố đối với cây trồng dặm.
Chăm sóc năm thứ ba: Mỗi năm chăm sóc 02 lần.
Lần 1: Vào tháng 4 - 6. Nội dung: Phát dọn thực bì theo băng trồng, không chặt cây gỗ và cây tái sinh mục đích (nếu có), cắt bỏ dây leo bu bám trên ây trồng.
Lần 2: Vào tháng 10 - 11. Nội dung: Phát dọn thực bì theo băng trồng, không chặt cây gỗ và cây tái sinh mục đích (nếu có), cắt bỏ dây leo bu bám trên cây trồng. Dẫy cỏ và cuốc thục quanh gốc cây với đường kính 0,8 m – 1,0 m, bón thúc phân NPK, liều lượng 0,1 kg – 0,5 kg/hố đối với cây trồng dặm.
Chăm sóc năm thứ tư và năm thứ năm: Mỗi năm chăm sóc 01 lần.
Thời gian chăm sóc từ tháng 8 - 10. Phát dọn thực bì theo băng trồng, không chặt cây gỗ và cây tái sinh mục đích (nếu có), cắt bỏ dây leo bu bám trên cây trồng. Dẫy cỏ và cuốc thục quanh gốc cây với đường kính 0,8 m –1,0 m.
Trong 3 năm đầu sau khi trồng, nếu tỷ lệ cây sống dưới quy định nghiệm thu hoặc mật độ thành rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam thì phải trồng dặm. Số lượng cây trồng dặm tùy theo mật độ hiện có để trồng bổ sung đảm bảo tiêu chí thành rừng theo quy định. Tuổi cây giống để trồng dặm tương ứng với số năm trồng rừng.
Cây con ở giai đoạn vườn ươm phải được thường xuyên chăm sóc, làm sạch cỏ để tránh sâu, bệnh gây hại. Để ngăn ngừa nấm hại, dùng Boocđo nồng độ 1% phun đều lên trên mặt lá với liều lượng phun 1 lít/4m2, 2 tuần/1 lần.
Khi phát hiện nấm bệnh thì tưới dung dịch boocđo 1% hay COC 85 liều lượng 25 gram/1 - 2 bình 8 lít, phun sương đều trên mặt lá với liều lượng phun 1 lít/4m2, 10 – 15 ngày phun 1 lần, liên tục 2 – 3 lần liền.
Nếu sâu ăn lá hoặc một số côn trùng khác có thể dùng Bassa 50ND pha 1/400 – 1/600 hoặc dùng Methyl parathion 0,1% để phun. Nên phun thuốc vào buổi chiều. Sau khi phun thuốc 2 – 3 giờ thì tưới lại bằng nước sạch.
Thu hoạch
Cây xoan rất dễ trồng, lớn nhanh, gỗ tốt. Từ năm thứ 7-8 trở đi cây cao trên 10m, đường kính tới 35-40cm, bắt đầu khai thác chọn cây to lấy gỗ gia dụng kết hợp tái sinh tự nhiên bằng hạt và chồi.
Rừng trồng tập trung thuần loài đến 5-6 tuổi bắt đầu tỉa thưa chặt bỏ những cây xấu kết hợp tỉa cơ giới cách cây, để lại 1000-1500 cây/ha, tận dụng sản phẩm làm gỗ, củi.
Đến 10-12 tuổi có thể khai thác chính kết hợp với tái sinh luân kỳ 2 bằng gieo hạt thẳng và tận dụng nguồn hạt giống tại chỗ.
Thành Trung (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?