Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều

Thứ năm, 15/08/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Điều là giống cây công nghiệp dài ngày mang lại tiềm năng kinh tế cao. Chất lượng cao, giá trị dinh dưỡng từ hạt điều giúp canh tác giống cây này được nhiều người đặc biệt quan tâm. Mỗi hộ nông dân khi quan tâm tới cây điều đòi hỏi cần tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều đạt tiêu chuẩn để áp dụng một cách hiệu quả. Trồng điều đúng kỹ thuật, giúp cây trồng phát triển tốt, đem lại năng suất cao, nguồn thu tốt cho từng nhà.

Quả điều (ảnh internet)

Về điều kiện trồng điều

Về đất đai

Trồng điều phù hợp trên nhiều loại đất khác nhau. Song khả năng sinh trưởng thuận lợi trên những khu vực có tầng đất sâu, thành phần cơ giới nhẹ và khả năng thoát nước tốt.

Ưu tiên canh tác trên đất sét cát pha không có tầng đất cái, mực nước ngầm tiêu chuẩn khoảng 3 – 6m là lý tưởng. Ngoài ra thì đất cát pha cũng có thể cân nhắc chọn lựa cho nhu cầu canh tác cây điều.

Ánh sáng

Điều là giống cây ưa sáng hoàn toàn, đồng thời ra quả ở đầu cành. Bởi thế nó thường được trồng đơn độc, hay cân đối với mật độ sao cho phù hợp nhằm cung cấp đầy đủ ánh sáng. Xét trung bình thì cây điều hướng cần khoảng 2.000 giờ nắng/ năm.

Lượng mưa

Lượng mưa trung bình duy trì khoảng 1.000 – 2.000mm/ năm là lý tưởng để cây điều sinh trưởng thuận lợi. Trong đó, phân bố lượng mưa như thế nào sẽ tác động trực tiếp tới quá trình ra hoa, đậu trái. Thông thường thì quá trình này sẽ kéo dài trong khoảng 2 tháng, đòi hỏi cần có thời tiết khô ráo.

Trồng điều nên ưu tiên lựa chọn khu vực có khí hậu với mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Trong đó mùa khô sẽ kéo dài khoảng 4 – 5 tháng là thích hợp để quá trình ra hoa, đậu trái của cây không chịu tác động của thời tiết mưa gió.

Nhiệt độ

Là giống cây trồng ở vùng nhiệt đối, bởi thế điều mẫn cảm với nhiệt độ thấp cũng như sương giá. Nhiệt độ lý tưởng để cây điều sinh trưởng và phát triển sẽ trong khoảng từ 24 – 28 độ C, không nên trồng giống cây này ở những khu vực có nền nhiệt trung bình là 20 độ C.

Thời vụ thích hợp trồng điều

Thời điểm thích hợp nhất, lý tưởng nhất để trồng điều là vào đầu mùa mưa. Đất trồng vào đầu mùa mưa thường mềm hơn, dễ làm, cây trồng cũng nhanh chóng hồi xanh và bén rễ để phát triển. Theo đó, thời điểm từ khoảng đầu tháng 6 tới giữa tháng 8 dương lịch nên cân nhắc để tiến hành trồng cây điều.

Cách chọn giống

  • Cây giống khi lựa chọn cần đảm bảo cho nắng auats cao, tỉ lệ nhân lớn, kích cơ hạt ít hơn 170 hạt/kg, đồng thời có số trái, số chùm lớn, tỉ lệ chồi ra hoa cao. Bên cạnh đó, cây giống cần có khả năng sinh trưởng khỏe, cho tán đều và chống chọi tốt với sâu bệnh.
  • Ưu tiên sử dụng giống điều ghép, được định danh và cho phép lưu hành. Đó là những giống cây chất lượng, đem tới khả năng cho quá trình canh tác thuận lợi, sớm cho trái với chất lượng hạt đạt tiêu chuẩn.

Làm đất

Quá trình làm đất là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo giúp cây trồng có điều kiện sinh trưởng tốt, ngay từ giai đoạn đầu tiên. Việc làm đất cần thực hiện bằng cách cày bừa, xới xáo kỹ vườn trồng. Song song với đó là loại bỏ toàn bộ cỏ dại, loại bỏ mầm bệnh còn tồn tại trong đất.

Việc làm đát cần được thực hiện vào đầu mùa mưa khi mà những cây, cỏ dại mới tái sinh, chưa ra hoa và kết hạt. Làm đất sau khi hoàn thành yêu cầu cần đào hố kích thước tiêu chuẩn là 50 x 50 x 50cm, duy trì khoảng cách phù hợp, tiến hành bón lót xuống hố sau đó phủ đất bằng mặt vườn, phơi ải tối thiểu 1 tháng trước khi bắt đầu trồng.

Yêu cầu ở mật độ

Mật độ trồng phù hợp giúp khai thác tối đa vườn trồng, cũng đảm bảo cung cấp đủ không gian để cây trồng sinh trưởng và phát triển. Thông thường thì khoảng cách trồng ban đầu sẽ là 8 x 6m, hoặc 10 x 5m tương đương với mật độ khoảng 200 cây/ ha. Ở những giai đoạn tiếp theo cần tiến hành tỉa thưa bớt để tạo khoảng cách giữa các cây là 8 x 12m hoặc 10 x 10m tương đương với mật độ khoảng 100 – 120 cây/ ha.

Cách trồng điều

  • Thời tiết khi vào mùa mưa, điều kiện mưa ổn định thì lúc này cây giống đủ tiêu chuẩn sẽ được tiến hành xuất khỏi vườn ươm ra trồng.
  • Đối với vườn trồng là đất xám với hàm lượng sét cao yêu cầu cần tiếp hành đắt gốc đảm bảo không để đọng nước trong hố trồng, đặc biệt là sau những cơn mưa lớn.
  • Đào lỗ nhỏ giữa các hố đã chuẩn bị trước đó, đảm bảo độ sâu và kích thước lớn hơn bầu đất của cây con.
  • Rạch theo đường dọc của bầu, loại bỏ nilon bọc bên ngoài một cách nhẹ nhàng và đặt bầu vào bên trong lỗ.
  • Tiến hành lấp đặt cho bằng mặt đất, tiến hành tưới nước với lượng thích hợp tùy thuộc vào điều kiện thời tiết thực tế.

Cách chăm sóc cây điều tiêu chuẩn

Cách chăm sóc cây điều khi canh tác không quá phức tạp, tuy nhiên đòi hỏi bà con nông dân cần thực hiện đầy đủ, chuẩn xác. Trong đó những yêu cầu cơ bản sẽ là:

Tưới nước

Lượng nước tưới, số lần tưới cần linh hoạt dựa trên tình hình thời tiết chực tế. Nên cân nhắc đánh bồn với đường kính khoảng 2 – 4m xung quanh gốc để quá trình tưới nước thuận lợi và chủ động hơn.

Làm cỏ

Nên trồng xen canh các cây ngắn ngày họ đậu trong giai đoạn đầu trồng điều. Nó giúp giảm bớt cỏ dại mọc, cũng tăng thêm thu nhập cho mỗi hộ nông dân. Cần chú ý trồng cây xen canh có độ cao vừa phải, đảm bảo cách gốc chính từ 1 – 1.5m.

Song song với đó cần duy trì việc làm cỏ thường xuyên để loại bỏ cỏ dại ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cây điều. Kết hợp với làm cỏ là thực hiện việc xới xáo để cải thiện độ tơi xốp, nâng cao khả năng thoát nước cho vườn trồng.

Cắt tỉa tạo tán

Cây điều khi đạt chiều cao khoảng 0.8 – 1m thì lúc này việc hãm ngọn cần được thực hiện. Nuôi khoảng 3 – 5 cành chính mọc lên từ thân chính, đảm bảo tạo tán với khả năng phát triển cân đối về các hướng là yêu cầu bắt buộc.

Ngoài ra, hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch cần thực hiện việc cắt tỉa đi những cành khô, chồi vượt nằm sát thân, hay cành sâu bệnh, hết khả năng mang trái. Đảm bảo độ thoáng cần thiết giúp cây điều có thể sinh trưởng thuận lợi.

Cách bón phân khi trồng điều

Bón lót

Tiến hành bót lót trong quá trình làm đất, xuống hố trồng. Thực hiện bón lót trước thời điểm trồng cây con khoảng 1 tháng là tối thiểu để đảm bảo điều kiện lý tưởng cho cây trồng phát triển.

Bón thúc

Bón thúc cho cây điều chúng ta thực hiện khác biệt trong từng giai đoạn cụ thể. Giai đoạn kiến thiết từ 1- 3 năm đầu tiên và giai đoạn kinh doanh từ năm thứ 4 trở đi thì việc bón thúc sẽ có những yêu cầu riêng.

Thu hoạch

Việc thu hái hạt và trái phải thật chín không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn giúp cho việc bảo quản hạt và chế biến hạt dễ dàng. Tùy theo diện tích thu hái nhiều hay ít hoặc khả năng bảo vệ chống mất mát trong quá trình thu hoạch. Bạn có thể chọn một trong hai phương pháp sau: 

♦ Thu hái trên cây đối với diện tích vườn nhỏ hoặc số cây có ít, đặt biệt khi cần thu hạt của một số giống tốt mọc xen với nhiều loại khác, thì cách tốt nhất là thu hái trên cây khi hạt đã chín hoàn toàn. Có thể dùng tay hay các loại sào, vợt để hái. Phương pháp thu hoạch này thường tốn công, nhưng không sợ lẫn hạt giống, không sợ mất mát và thu hoạch cả trái lành lặn. 

♦ Thu nhặt dưới đất là một trong những phương pháp thu hoạch phổ biến ở các cơ sở trồng điều với số lượng lớn trên thế giới. 

Khi trái chín mọng tự động chúng sẽ rơi xuống đất. Những người công nhân hàng ngày sẽ đi tới từng gốc cây đã được dọn sạch sẽ, nhặt trái ở dưới đất ngắt để lấy hạt, còn trái thì sẽ tập trung thành đống cho bộ phận chế biến trái để có thể sử dụng làm nước giải khát, rượu thực phẩm, thức ăn gia súc,... 

Bảo quản

Sau khi thu hái phải làm sạch phần thịt dính ở cuống hạt, và có thể rửa lại với nước cho thật sạch.

Sau đó đem phơi hạt điều ở ngoài nắng 2-3 ngày cho thật khô rồi dùng sàng, rổ loại bỏ những dị vật bị lẫn với hạt điều. Hạt được sơ bộ, phân hạng theo 3 loại kích thước và trọng lượng: lớn, trung bình và nhỏ, cũng như loại bỏ các hạt xấu, lép sâu bệnh trước khi đóng bao chuyển vào kho. 

Đối với gia đình có số lượng hạt ít, chỉ cần phơi khô rồi cho vào bao bố, để nơi khô thoáng mát là được. 

Còn các cơ sở trồng lớn cần phải có kho bảo quản trước khi chuyển đến xí nghiệp chế biến hoặc đơn vị thu mua. Riêng những trái chín muốn dự trữ để chế biến ra nước giải khát hoặc các loại rượu phải có kho bảo quản lạnh. Kho bảo quản hạt phải được xây dựng nơi cao ráo, mát mẻ. Móng kho phải chắc, nền cao, tường dày và có điều kiện thông gió. Dụng cụ để hạt có thể là bao bố, hòm gỗ, thùng thiếc và kê cao khỏi mặt nền kho ít nhất 30 – 40cm. Riêng đối với hạt giống cần có bao bì riêng cho từng loại thậm chí cho từng cây, tốt nhất đựng trong các thùng có nắp đậy kín. 

Xuân Trường (t/h)

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?