Cây cà tím, hay có tên gọi khác là cà nâu, cà dái dê, tên khoa học là Solanum Melongena. Đây là loại thực phẩm mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, bởi nó bao gồm vitamin B6, C, K, chất khoáng và chất xơ. Đặc biệt, trong cà tím không có chứa cholesterol và các chất béo bão hòa.
Để cây cà tím sinh trưởng thuận lợi nhất, người nông dân cần lưu ý đến các điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự phát triển của cây.
Trồng và chăm sóc cây cà tím (ảnh minh hoạ, nguồn internet)
Thời vụ:
Vụ Đông - xuân có thể trồng từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau.
Vụ hè - thu trồng từ tháng 4 đến tháng 7.
Chuẩn bị đất:
Cà tím không kén đất, nhưng thích đất ít sét nhiều mùn, lại kỵ đất nhiều chất hữu cơ chưa hoai. Đất phù sa, đất xám, đất đỏ đều trồng cà tím được miễn xốp và không úng nước. Đất phải cày sâu 25-30cm, bừa cho nhuyễn và làm sạch cỏ, rễ cây, đá sỏi. Đào lỗ sâu 20cm, rộng 40cm. Nên khử độc và bón lót cho đất trước khi trồng.
Cách trồng:
Trồng cá tím bằng cách gieo hạt ở liếp ương, trộn 4kg phân chuồng hoai mỗi thước vuông. Gieo xong phủ lên hạt giống 1 lớp đất nhuyễn 1cm. Chừng 1 tháng sau, cây con lên cao được khoảng 15cm, thì có thể đem trồng ra đất. Trước đó vài tuần, nên tỉa bớt cây con mọc yểu ở liếp ương, để cây con lại được mập mạnh. Cà tím mau bén rễ, nên bứng cả bầu để cây không mất sức.
Trồng vào buổi chiều, mỗi lỗ một cây, khoảng cách như sau:
- Mùa mưa, cây cách nhau tứ phía 50cm x 50cm (mỗi mẫu có 30.000-35.000 cây).
- Mùa nắng, cây cách nhau 50cm, hàng này cách hàng kia 1m (mỗi mẫu có khoảng 20.000 cây).
Chăm sóc:
Mùa nắng tưới cà mỗi ngày 1 lần, lúc sáng sớm hay chiều hết nắng và tủ gốc bằng rơm hay cỏ khô cho im. Trồng mùa mưa, phải khai cho rõ nước. Bị ngập nước 24 giờ, cà sẽ chết. Ngoài ra cũng cần làm cỏ xới đất và vun gốc 3 lần, thêm cắt tỉa.
Phân bón:
Trộng 1-2kg phân chuồng hoai với đất bỏ mỗi lỗ thước khi trồng 3-5 ngày. Ngoài ra nên bón thêm mỗi mẫu 400kg Ammophosko chia 3 lần:
- Lần thứ nhất: 100kg sau khi trồng 20 ngày.
- Lần thứ hai: 100kg sau lần thứ nhất 20 ngày.
- Lần thứ ba: 200kg sau lần thứ hai 20 ngày.
- 0,5kg dinh dưỡng pha dung dịch thủy canh TC-Mobi
Phân rắc hai bên hàng cà rồi làm cỏ, tủ lên.
Sâu bệnh:
Sâu đất: Bướm màu nâu sậm, đẻ trứng rải rác hoặc từng khối thành sâu rồi làm nhộng dưới đất. Ban ngày trốn dưới đất, tối lại chui lên cắn phá ngọn, cành, cuống, trái hay gốc cây non. Phòng ngừa bằng cách khử độc đất như đã nói trên. Để trừ loại sâu này, dùng 1kg DDT 75% (tỷ lệ 1/300) tưới đều lên cây và gốc, khi cây lên được 2 tuần. Xịt hai bên bờ 10 ngày 1 lần.
Sâu rừng: Sâu đẻ trứng mặt dưới lá. Nó có màu xanh vân trắng, có sừng ở đốt sau cùng, làm nhộng dưới đất. Để trừ khử dùng Dieldrin 50% (tỷ lệ 1/300) xịt đều lên cây lá mỗi tuần 1 lần.
Ốc sên: Dùng thuốc Metadex hay Arione. Các hiệu bán thuốc sát trùng còn có nhiều thứ thuốc khác cũng công hiệu.
Ngoài ra bệnh nấm làm cho khô héo lá từ ngọn. Bổ đôi cây bệnh ra thấy mạch quản có màu vàng hoặc nâu rỉ nước nhớt. Nên nhổ cây bệnh đem đốt đi và rắc vôi nơi chỗ đó. Bệnh nhẹ hoặc ngừa bệnh thì dùng thuốc có chất phèn xanh hay thiết.
Thu hoạch:
Có thể bắt đầu thu hoạch khoảng 2 tháng đến 2 tháng rưỡi sau khi trồng. Cứ 3 ngày hái cà 1 lần và cứ như vậy kéo dài 4-5 tháng. Năng suất trung bình mỗi mẫu cà khoảng từ 30-40 tấn trái.
Để giống:
Những cây lấy giống chỉ để mỗi cây 1-2 quả. Chọn những quả lớn đều, không sâu bệnh ở lứa quả thứ 2, thứ 3 để lại trên cây cho chín già làm giống. Thu về để thêm 1 tuần nữa cho chín hoàn toàn rồi mới bổ lấy hạt rửa sạch, phơi nơi thoáng mát cho khô hẳn để làm giống cho vụ sau. Mỗi quả cà cho khoảng 1.000-1.500 hạt, cứ khoảng 800 quả cà tím cho 1,5kg hạt giống.
Xuân Trường (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?