Trong những năm qua, nuôi cá lồng trên sông hồ nước lớn ở các địa phương phát triển khá mạnh về quy mô và hình thức, nhằm tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện do bị mất đất sản xuất, từng bước giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư và làm thay đổi bộ mặt ở vùng nông thôn miền núi. Để giúp bà con có thể quản lý tốt hơn trong quá trình nuôi chúng tôi xin khuyến cáo một số lưu ý sau:
1. Về kỹ thuật làm lồng, bè nuôi cá:
- Lồng có kích thước 75 m3 (5m x 5m x 3m), chiều cao mức nước lưới lồng để thả nuôi từ 2,5 m; trên các mặt của thành lồng có lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn thức ăn trôi ra ngoài.
- Toàn bộ khung lồng làm bằng ống típ sắt Φ34 (hoặc Φ42, Φ49) có mạ lớp kẽm chống rỉ, mỗi cây dài 6m và ống nối sắt Φ34 hoặc bằng công nghệ mới được làm bằng ống nhựa HDPE Φ200 .
- Khung lồng được nâng bằng thùng phuy sắt hoặc nhựa 200 lít và được cố định vào khung lồng bằng dây thép, khung lồng được cố định bằng dây neo ở 4 góc hoặc neo lồng bằng dây tại các trụ làm trên bờ.
- Lồng làm bằng lưới polyetylen (PE) dệt không co rút. Cỡ mắt lưới phụ thuộc vào kích cỡ cá nuôi, cỡ mắt lưới từ 1 - 4 cm, trong một vụ nuôi thường sử dụng 3 loại mắt lưới; đáy lưới lồng được cố định bằng dây giềng nối với đá ghiềm hoặc các can nhựa chứa cát.
- Vị trí đặt lồng: Trong nuôi cá lồng, do chất lượng nước không thể kiểm soát được như nuôi trong các thủy vực ao hồ mà tùy thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì thế chọn lựa vị trí thích hợp để neo lồng bè sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Thông thường, tiêu chuẩn lựa chọn vị trí nuôi dựa trên các yếu tố như: Nhiệt độ, mức độ nhiễm bẩn của nguồn nước, vật chất lơ lửng, sinh vật gây bệnh, trao đổi nước, dòng chảy, khả năng làm bẩn lồng; độ sâu, chất đáy, giá thể; và điều kiện thành lập trại nuôi như phương tiện, an ninh, kinh tế - xã hội,... Một vị trí tốt cho việc nuôi cá lồng trên trên sông và hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện phải đảm bảo các yêu cầu:
+ Chọn vị trí đặt lồng/bè nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản hoặc phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
+ Chọn khu vực hạ lưu hồ chứa, xa đập tràn,bến tập kết gỗ,…
+ Chọn nơi thông thoáng, khuất gió, nước sâu hơn 4m tại thời điểm mực nước hồ xuống thấp nhất, lưu thông nước tốt, lưu tốc dòng chảy 0,2 - 0,3m/s. Không nên nuôi ở các điểm cuối eo ngách.
+ Vị trí đặt lồng cách bờ ít nhất 15 - 20m.
+ Môi trường nuôi phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 - 8,5; oxy hoà tan > 5 mg/lít; NH3 nhỏ hơn 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 - 300C.
Ở hồ chứa mỗi cụm bố trí từ 10 – 15 lồng, các cụm lồng cách nhau từ 200 - 300m, đặt so le nhau. Tại hồ chứa tổng diện tích lồng, bè không quá 0,2% diện tích khu vực đặt lồng. Cụ thể là 1ha mặt thoáng hồ chứa chỉ được nuôi 1 lồng.
Lưu ý đối với các hồ chứa nước thủy lợi (nguồn nước không dùng cho mục đích sinh hoạt) phải có diện tích mặt nước dâng bình thường từ 50ha trở lên.
2. Về giống cá:
- Phải có kích thước đồng đều để không cạnh tranh thức ăn với nhau. Cá khỏe, phản xạ nhanh, màu sắc bóng, không dị hình...Kích cỡ cá thả tuỳ theo loài (cỡ cá khoảng 10 con/kg), tốc độ sinh trưởng và chu kỳ nuôi. Cỡ giống cần lớn hơn kích thước khe lồng và lớn hơn kích thước mắt lưới, đảm bảo cá không lọt ra ngoài.
- Khi mới nhập cá giống về phải nuôi tại ao hoặc trong giai, cho cá thích nghi với môi trường. Khi cá đã quen dần, đủ cứng cáp và có sức đề kháng tốt mới thả ra lồng.
3. Về thức ăn nuôi cá lồng:
Tùy từng loại cá nuôi, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp, tự chế biến hoặc thức ăn tươi.
- Thức ăn công nghiệp được phép lưu hành tại Việt Nam; đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định; không sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng.
- Đối với thức ăn tự chế biến: Có đủ thành phần dinh dưỡng; nguyên liệu để chế biến không có Salmonella, nấm mốc độc, độc tố aflatoxin; không chứa kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
- Thức ăn tươi: Đảm bảo tươi, không dập nát và thức ăn được rửa sạch, cắt khúc tùy theo kích cỡ của cá nuôi, cá ăn hết sau khi cho ăn từ 15 - 30 phút.
- Tùy từng loại cá nuôi và giai đoạn phát triển của cá, cho cá ăn thức ăn phù hợp về chủng loại, kích cỡ và cân đối lượng thức ăn cho cá theo trọng lượng, sức khỏe cá và môi trường nuôi; cho ăn 2 lần/ngày (sáng sớm và chiều mát).
- Cần chăm sóc quản lý cá trong từng giai đoạn sinh trưởng như: Kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp, theo dõi hoạt động của cá; kiểm tra lồng thường xuyên để phát hiện những vị trí lồng bị rách hỏng tránh thất thoát, vệ sinh lồng định kì tạo thông thoáng nước trong lồng để tăng hàm lượng ôxy trong nước và chống kí sinh trùng gây hại cho cá; theo dõi tốc độ lớn để tách đàn phù hợp, tạo điều kiện để cá phát triển đều; bổ sung khoáng chất, men vi sinh để tăng sức đề kháng phòng ngừa dịch bệnh cho cá.
4. Về công tác vệ sinh lồng và khu vực nuôi:
- Môi trường nước luôn phải bảo đảm độ pH ổn định, không vẩn đục hay có rác thải trôi nổi mắc vào lồng. Việc bảo đảm nguồn nước luôn sạch sẽ giúp cá tăng trọng nhanh, chi phí thấp, ít bị dịch bệnh…
- Vệ sinh môi trường nuôi bằng cơ học: Trong quá trình nuôi cá thương phẩm thức ăn thừa và phân cá đã gây ô nhiễm môi trường nuôi, đặc biệt là thời gian cuối chu kỳ nuôi. Những sản phẩm khí độc như H2S, NH3 ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của cá nuôi. Thay nước sẽ làm các chất thải và khí độc thoát ra khỏi lồng nuôi.
- Vệ sinh môi trường bằng hoá dược: Vệ sinh môi trường nước nuôi cá thường xuyên bằng vôi bột, tuỳ theo pH của nước. Vôi có tác dụng cung cấp Ca++, ổn định pH, khử trùng làm sạch nước. Có thể dùng 1-2 kg vôi/100m3, định kỳ bón từ 2 lần/tháng.
- Vệ sinh môi trường bằng sinh học: Khi nuôi cá có thể dùng một số chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nuôi cá. Tác dụng của chế phẩn sinh học: Cải thiện chất nước, ổn định pH, cân bằng hệ sinh thái. (Hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh cho cá nuôi).
- Định kỳ kiểm tra: đo pH, nhiệt độ, độ trong của nước khu vực nuôi lồng; tốc độ sinh trưởng của cá tháng/lần:
Nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp đều không thuận lợi cho cá. Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ (ngay cả trong phạm vi thích hợp) cũng có thể khiến cho cá bị sốc (stress) mà chết, tốt nhất không để nhiệt độ chênh lệch quá 30C, biên độ dao động nhiệt độ trong ngày không quá 50C.
Độ pH của nước: ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của động vật thuỷ sinh. Tuy phạm vi thích ứng độ pH của cá tương đối rộng; Phần lớn các loài cá là pH = 7-9. Nhưng pH thấp dưới 5 hoặc cao quá 9,5 có thể làm cho cá yếu hoặc chết.
Oxy hoà tan: Cá sống trong nước nên hàm lượng oxy hoà tan trong nước rất cần thiết cho đời sống của cá. Nhu cầu oxy hoà tan trong nước tối thiểu của cá là 3 mg/l. Nhu cầu oxy phụ thuộc vào từng loài, từng giai đoạn phát triển, trạng thái sinh lý, nhiệt độ. Để tăng ô xy có thể dùng máy bơm phun tạo o xy hoặc lắp đặt máy sục khí trong khu vực lồng nuôi để cung cấp đủ ô xy cho cá.
- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về thời tiết, nhất là trước những đợt dự báo có mưa lũ lớn bà con cần có kế hoạch di chuyển lồng vào nơi khuất, ít bị tác động và đảm bảo sinh trưởng của cá.
5. Về phòng trừ dịch bệnh:
- Định kỳ bổ sung vào thức ăn các loại khoáng và vi chất đảm bảo đủ chất và nâng cao sức đề kháng cho cá:
Vitamin C: định kỳ cho ăn 1 - 2 lần trong tháng liên tục trong 3 ngày, liều lượng 3g/100kg cá/ngày, bằng cách trộn đều trực tiếp vào thức ăn đã nguội + 20 ml dầu ăn (dầu mực, dầu cá...).
Vitamin, khoáng tổng hợp: định kỳ cho ăn 1 - 2 lần trong tháng, theo liều lượng hướng dẫn của Nhà sản xuất. Riêng đối với thức ăn cám viên công nghiệp đã được trộn đầy đủ khoáng vi lượng thì không cần bổ sung thêm.
Củ tỏi: định kỳ cho ăn 1 - 2 lần trong tháng liên tục trong 3 ngày, liều lượng 500g/100kg cá/ngày; bằng cách xay nhuyễn, hòa nước, trộn đều vào thức ăn.
- Thả thêm cá rô phi hoặc cá mè hoa vào các lồng nuôi để hạn chế rêu tảo phù du và tạp khuẩn khác...
- Có 2 thời điểm trong năm rất dễ xảy ra dịch bệnh đó là tháng 3, 4 và tháng 9, 10 - bởi đây là 2 thời điểm giao mùa, các yếu tố môi trường biến động lớn trong ngày rất dễ làm giảm sức đề kháng của cá. Do đó, để nâng cao khả năng phòng bệnh, cần tăng cường cho cá ăn các loại vi khoáng chất trên ít nhất 2 lần/tháng. Trước những thời điểm dự báo có nước lớn tràn về, có thể mang theo mầm bệnh, bà con sử dụng lá xoan bó lại dầm dưới đáy lồng hoặc treo các bao vôi đầu nguồn, đầu gió…để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh gây hại cho cá.
6. Thu hoạch
Sau 5 -6 tháng nuôi kiểm tra khi cá đạt kích cỡ thương phẩm (>1 kg/con) thu hoạch toàn bộ hoặc có thể tiến hành thu tỉa cá lớn, tiếp tục nuôi các cá nhỏ hơn và đến cuối vụ thu hoạch toàn bộ.
Trước khi thu hoạch giảm cho cá ăn 2- 3 ngày và ngày cuối cùng ngừng cho ăn.
Dùng lưới thu từ từ cho đến hết, thu trong thời gian ngắn sẽ giảm tỷ lệ hao hụt.
Ngoài ra, các hộ nuôi cá lồng phải ghi chép sổ sách theo dõi trong suốt quá trình thực hiện (ngày thả giống, nguốn gốc giống, chủng loại thức ăn, tình hình sinh trưởng phát triển của đàn cá, tiêu tốn thức ăn, tình hình dịch bệnh...) và thường xuyên kiểm tra các lồng cá để kịp thời phát hiện và có biện xử lý kịp thời, hiệu quả./.
Minh Ngọc (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?