Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Hướng dẫn cách trồng mướp Nhật

Thứ năm, 25/07/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Mướp Nhật thực ra là một loại bầu quả dài, cây thân leo thuộc họ bầu bí, nhìn giống quả mướp, được nhập giống từ Nhật Bản và được trồng ở nước ta từ rất nhiều năm trước nên nhiều người gọi là mướp Nhật.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hoà Bình, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn... Đặc điểm của loại cây này: Lá, thân và các tay cuốn giống cây bầu nhưng trơn, không có lông. Dùng tay vò nhẹ lá có mùi đặc trưng của cây bầu. Hoa nhỏ, màu trắng, gồm cả hoa đực, hoa cái. Quả màu xanh có xen những sọc trắng chạy dọc theo thân quả, dài từ 15 đến 20cm, đường kính chỗ lớn nhất khoảng 3-3,5cm và thót nhọn 2 đầu, nhất là phần đuôi quả. Ruột đặc như ruột bầu, không có mạng xơ như mướp ta. Khi chín già mỗi quả có vài ba hạt giống dạng hạt bầu màu nâu hoặc đen. Quả dùng làm rau ăn lúc còn non, hạt nhỏ, vỏ mềm, tỷ lệ đường cao, có vị ngọt.

Giàn mướp nhật (ảnh: Huy Hoàng)

Giống 

Mướp Nhật được chia làm hai loại theo hai hình dáng khác nhau. Một loại quả có hình dáng khá dài trông giống như những chú rắn đung đưa trên giàn và một loại quả ngắn hơn chỉ khoảng 10 đến 15 cm. Trong khi loại quả dài cho năng suất cao hơn thì loại quả ngắn được mọi người ưa chuộng hơn bởi vị ngon ngọt và mềm hơn so với quả dài.

Thời vụ

Thời điểm tốt nhất để trồng cây mướp Nhật là từ tháng 10 đến tháng 12. Bạn cũng có thể trồng quanh năm nếu nghiện món này tuy nhiên nó sẽ không cho quả sai và ngon như chính vụ.

Đất trồng

Cây mướp Nhật thích hợp với đất cát pha đễ thoát nước. Khi làm đất bạn phải trộn thêm cả phân chuồng đã ủ mục để tăng thành phần dinh dưỡng cho đất. 

Kỹ thuật trồng cây mướp Nhật

Trước khi tiến hành kỹ thuật trồng cây mướp Nhật bạn cần phải ngâm ủ hạt bởi vỏ của hạt mướp khá dày. Bạn nên ngâm vào nước ấm ở nhiệt độ khoảng 40 độ C trong vòng 4 - 5 tiếng để hạt cây nở ra. Sau đó đem ủ vào khăn ấm từ 10 đến 12 tiếng cho hạt nứt nanh rồi mới đem trồng. Nếu không ngâm ủ hạt bạn cũng có thể bỏ qua bước ngâm ủ hạt giống và trồng trực tiếp để đỡ tốn thời gian. Tuy nhiên như vậy hạt giống sẽ lâu nảy mầm hơn. Nếu gieo hạt trực tiếp, đào hố rộng khoảng 50 x 50cm. Trộn đều đất với phân chuồng ủ mục vào hố. Cho hạt mướp Nhật vào và phủ lên hạt lớp đất mỏng. Sau đó tưới ít nước cho ẩm đất.

Làm giàn 

Khi cây được khoảng 3 tuần, lúc này cây mướp Nhật đã đạt chiều cao 30 cm và ra rất nhiều lá và nhánh. Đây là thời điểm bạn nên làm giàn cho chúng leo và phát triển. Giàn cho mướp Nhật giống như những loại giàn cho bầu hoặc bí khác. Bạn có thể làm giàn bằng lưới thép hoặc làm bằng gỗ đều được. 

Chăm sóc

Bạn phải thường xuyên tưới nước nhưng nhớ không được tưới quá nhiều cây sẽ ngập úng và chết. Đến khi cây được 4-5 lá thì bón thúc cho cây ít phân chuồng.  Khi cây cao tầm 20 – 30 cm bấm ngọn cho cây phát triển nhánh

Đến giai đoạn cây bắt đầu ra quả, bạn bón thêm phân chuồng hoai mục cộng thêm đạm và kali nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho mướp ra nhiều quả và thời gian ra quả kéo dài. Đồng thời tỉa bớt lá ở gần các quả non để quả tiếp xúc được với ánh nắng và lớn nhanh hơn.

Giúp quả đậu nhiều

Để giúp cây đậu nhiều trái hơn thì ngoài biện pháp thụ phấn tự nhiên nhờ ong bướm bạn cũng có thể tự tay thụ phấn cho cây. Ngay khi những bông hoa đực chưa tàn bạn dùng tay ngắt chúng rồi đem tìm những bông hoa cái ấn nhẹ phần phấn vào bầu noãn của bông hoa cái. Như thế sau này bông hoa đó sẽ chắc chắn ra quả. Sau khi thụ phấn cho cây một vài ngày. Hoa cái sẽ héo và tàn dần để lại một sự sống mới phát triển sau đó. Từ phần cuống hoa cái lúc này bạn sẽ thấy chúng phồng to lên chứng tỏ quả đã bắt đầu phát triển. Lúc này bạn nên tỉa bớt lá gần những quả non giúp chúng đón được nhiều ánh sáng hơn để phát triển.

Thu hoạch

Sau khoảng 2 tháng trồng thì mướp Nhật cho thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt nó sẽ cho quả đều đặn trong vòng vài ba tháng.

Huy Hoàng (t/h)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?