Cừu là loài dễ nuôi, khả năng tận dụng thức ăn rất cao, chịu đựng kham khổ và chống chịu bệnh tật tốt. Tuy nhiên, để chăn nuôi cừu đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con cần thực hiện tốt và hiệu quả các quy trình, kỹ thuật.
Chuẩn bị chuồng nuôi
Chuồng nuôi cừu cần cao ráo, thông thoáng, sáng sủa, không có gió lùa, tránh được mưa, nắng hắt trực tiếp vào, mùa hè mát, mùa đông ấm, có sân chơi bằng phẳng và có máng uống.
- Mặt sàn cách mặt đất 0,8 - 1m tạo độ thoáng và đủ độ cao để vệ sinh quét dọn dễ dàng, khe hở mặt sàn 1,5cm.
- Máng ăn bố trí sát mặt ngoài sàn (ở phía trước chuồng) để cừu thò đầu ra ăn. Chuồng nuôi phải bảo đảm vệ sinh, quét dọn phân hằng ngày. Mỗi tháng tẩy uế chuồng 1 lần bằng vôi bột hoặc Dipterex.
- Diện tích cần bảo đảm cho mỗi đàn cừu là: Đực giống 1,5 - 2m2, cái sinh sản 1,3 - 1,5m2, cái tơ 0,6m2.
Lựa chọn con giống
Chọn giống cừu. Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Con cái: Không nên chọn những con cừu cái đã già. Một con cừu cái tốt có đặc điểm đầu rộng hơi dài, mình nở, ngực sâu, lưng thẳng, hông rộng, lông mượt, bộ phận sinh dục nở nang, bầu vú phát triển, vú có da mềm nhão nhưng khi bầu vú căng sữa sẽ tiết sữa nhiều, gân sữa nổi rõ trên bầu vú.
Con đực: Chọn con khỏe mạnh, đồng đều, không bị dị tật. Riêng cừu đực phải nhốt riêng, 8 - 9 tháng tuổi mới cho chúng phối giống. Nếu phối tự do, một cừu đực có thể đảm nhận cho 20 - 30 cừu cái. Còn nếu phối giống có kiểm soát thì nó còn có thể phụ trách tới 40 - 50 cừu cái. Tỷ lệ đực/cái:1/25, đồng thời thường xuyên (1,5 năm) thì thay đổi đực để tránh đồng huyết.
Cách chăm sóc
Cừu mẹ: Chu kỳ động dục cừu cái là 16 - 17 ngày. Sau khi phối giống, qua 16 - 17 ngày không thấy động dục trở lại là cừu cái có chửa. Cừu cái chửa cho ăn thêm thức ăn tinh, rau cỏ non. Khi có dấu hiệu sắp đẻ như bầu vú căng, xuống sữa, âm hộ sưng to, cào bới sàn… thì nhốt riêng, chuẩn bị ổ cho cừu đẻ. Cừu mang thai 146 - 150 ngày. Căn cứ vào ngày phối giống để chú ý đỡ đẻ cho cừu, tránh đẻ bất ngờ làm chết cừu con. Sau khi cừu đẻ, dùng khăn mềm, sạch, ẩm để lau nước nhầy ở miệng, mũi cho cừu con, lấy dây chỉ sạch buộc rốn (cách rốn 5 - 6cm), rồi dùng kéo cắt cách vết buộc 2 cm. Bôi cồn iốt để sát trùng. Đẻ xong, cừu mẹ khát nước nhiều, pha nước đường 1% + muối 0,5% cho cừu mẹ uống thoải mái.
Cừu con: Sau khi sinh ra, cừu con cần được bú sữa đầu là sữa chứa nhiều dinh dưỡng và giúp cho cừu sau này chống chịu được bệnh tật. Trong 10 ngày đầu sau đẻ cho cừu con bú mẹ tự do; 11 - 20 ngày tuổi, cừu con bú mẹ 3 lần/ngày, đồng thời tập cho cừu con ăn thức ăn tinh, rau cỏ xanh; 80 - 90 ngày tuổi, cho cừu con cai sữa.
Cừu nuôi thịt: Gồm các cừu đực đã cai sữa và con giống loại thải. Cừu nuôi bán thịt phải nhốt riêng, tránh quậy phá đàn, hư hỏng chuồng trại. Trước khi xuất chuồng 2 tháng cho ăn khẩu phần tăng cường để tăng trọng lượng lúc bán. Thức ăn bổ sung có thể là thức ăn tinh, cỏ, rau xanh, củ quả, phụ phẩm nông nghiệp…
Bổ sung dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cho cừu. Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Cừu ăn được nhiều loại thức ăn như cỏ tươi, rơm, các loại dưa, bí, cà rốt, củ cải, ngô ủ chua… Để tăng cường dinh dưỡng cho cừu, ngoài thức ăn thô xanh, hằng ngày cho ăn thêm 0,1 - 0,3kg thức ăn tinh (bột ngô, khoai, sắn…).
Vào mùa thức ăn tươi đầy đủ, trong thức ăn thường đầy đủ các yếu tố khoáng và vitamin, song vào mùa đông khô và rét, thức ăn tươi hiếm, khẩu phần ăn cần bổ sung canxi và các Vitamin A, D…, tránh tình trạng dê nuôi bị thiếu dinh dưỡng, đẻ non, đẻ con yếu, ít sữa nuôi con, niêm mạc mắc khô, mắt mờ… Đối với cừu yêu cầu lượng Canxi hàng ngày trung bình 5,5 - 9g và 2,9 - 5g phốt pho, khoảng 3.500 - 11.000 UI Vitamin D… Hiện nay có tảng liếm để bổ sung khoáng có bán trên thị trường. Hằng ngày nên bổ sung 6 - 9g canxi, 3 - 5g phốt pho, Vitamin D 4.000 - 10.000 đơn vị/ngày.
Cần phải có đủ nước sạch để cừu uống tại chuồng. Không nên cho cừu uống nước tù đọng để tránh cừu bị nhiễm giun sán.
Cách phòng và trị bệnh
Thực hiện các biện pháp phòng bệnh an toàn sinh học cho cừu:
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho cừu như lở mồm long móng 2 lần/năm; Tụ huyết trùng 2 lần/năm và một số bệnh khác.
- Chuồng nuôi bảo đảm vệ sinh, quét dọn phân hàng ngày. Sát trùng định kỳ 1 lần/tháng bằng vôi hoặc Dipterex.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn hôi mốc.
- Định kỳ tắm chải cho cừu sạch sẽ (mùa hè 2 - 3 lần/tháng, mùa đông khi nắng ấm).
- Máng nước uống phải sạch sẽ và đủ nước sạch.
- Định kỳ tẩy giun sán 1 năm 3 lần.
Minh Khang (t/h)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?