Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Giải pháp toàn diện bền vững thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Bình

Thứ sáu, 27/01/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS từng bước rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng phát triển… là những ưu tiên khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Ninh Bình.

Diện mạo mới huyện Nho Quan. Ảnh: Hồng Vân

Những kết quả bước đầu

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội vùng đồng bào DTTS đã tập trung vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, dạy nghề; tặng giống cây, con, hỗ trợ phân bón; xây dựng các mô hình về phát triển kinh tế..., qua đó phát huy nội lực, nâng cao ý thức tự giác vươn lên, tinh thần tương thân, tương ái của đồng bào DTTS.

Nhờ triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS đã tạo động lực mới, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội; diện mạo nông thôn vùng dân tộc theo đó có nhiều đổi mới, số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện.

Mặc dù đạt nhiều kết quả, diện mạo vùng đồng bào DTTS tỉnh Ninh Bình đã có nhiều thay đổi, song thực tế cũng cho thấy, đời sống của đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, mức sống của người dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số còn cao, nhiều hộ thoát nghèo chưa thật sự bền vững, còn tình trạng tái nghèo. Một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Đặc biệt trong 2 năm qua, dịch Covid-19, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống bà con vùng DTTS. 

Đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu làm nghề nông, đất canh tác cơ bản là đất đồi núi, tập quán canh tác còn có những lạc hậu nhất định trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, một số địa bàn sản xuất phụ thuộc vào thời tiết. Trong khi đó, một bộ phận đồng bào DTTS còn có tư tưởng thụ động, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, hạn chế tính năng động, sáng tạo vượt khó vươn lên. Cơ chế và hệ thống các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 còn gặp nhiều khó khăn... 

Giải pháp toàn diện bền vững thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Bình

Tại Ninh Bình, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện trên địa bàn 7 xã, huyện Nho Quan theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ gồm các xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương và 4 thôn vùng đồng bào DTTS gồm các thôn Đức Thành, Hồng Quang (xã Xích Thổ) và Thôn 4,  5 (xã Phú Sơn, huyện Nho Quan).

Ngày 15/11/2022, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế so sánh của Vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng phát triển.
 

Dân tộc Mường (Nho Quan) biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Hồng Vân

Cùng với đó, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước.

Các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 được tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Triển khai thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp ngày 07/4/2023 về nội dung “Hỗ trợ thiết lập điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã” thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, ngày 21/4/2023, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Công văn số 287/UBND-VP6 V/v tham mưu điều chỉnh nội dung tại Kế hoạch số 185/KHUBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị có liên quan điều chỉnh đối tượng tại mục 7.2, Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh. 

Điều chỉnh phân công thực hiện tại mục 8.5, Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo phù hợp với phân công nhiệm vụ của các Bộ, ngành Trung ương tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ./.

Hồng Vân

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?