Khi mới tái lập tỉnh, đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc ở Nho Quan vô cùng khó khăn. Kinh tế tự cung, tự cấp là chủ yếu, sản xuất hàng hóa hầu như không đáng kể, sản lượng lương thực bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau 30 năm tái lập tỉnh, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về nhiều mặt của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đời sống của đồng bào đã được nâng lên đáng kể.
Còn nhớ những năm đầu thập niên 90 khi mới tái lập tỉnh, đời sống của người dân xã vùng cao Cúc Phương còn vô vàn những khó khăn. Đất đai khô cằn, sản xuất manh mún, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến trên 70%, người dân chưa có nhiều kiến thức về KHKT phát triển kinh tế.
Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước như: Chương trình 327; Chương trình 135; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... người dân các xã vùng cao của Nho Quan đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa những cây trồng, con nuôi đặc sản vào để phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó đã từng bước nâng cao đời sống. Đến nay, mức thu bình quân đầu người trên địa bàn các xã vùng cao đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.
Tại thôn Bản Xanh, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan
Các chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả đã mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc. Đến nay, Nho Quan đã thực sự thay đổi, thực sự khởi sắc. Từ vị trí là một trong những huyện miền núi có kinh tế chậm phát triển đã vươn lên trở thành địa phương phát triển khá trong tỉnh. Thu nhập tăng cao, người dân có điều kiện đóng góp vào xây dựng quê hương.
Trên chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã được vận dụng vào thực hiện phù hợp. Qua đó đã phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Đời sống của người dân nơi đây không ngừng được nâng lên càng củng cố thêm niềm tin, sự đồng thuận của bà con vùng đồng bào dân tộc đối với đường lối đổi mới./.
Thanh Nga (nbtv.vn)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?