Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 08/5/2009 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam; Công văn số 1302/UBDTDTTS ngày 27/7/2023 của Uỷ ban Dân tộc về việc hướng dẫn tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 141/QĐ-UBND ngày 07/3/2024 thành lập Ban Tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ IV năm 2024. Ban Tổ chức Đại hội do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan làm thành viên.
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ III năm 2019. Ảnh (UBDT)
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Ban Tổ chức Đại hội đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-BTC ngày 26/3/2024 tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ IV năm 2024.
Mục đích của Đại hội lần thứ IV năm 2024 nhằm tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc; tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập phát triển và bảo vệ đất nước giai đoạn 2019 - 2024, chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2024. Đồng thời, thông qua Đại hội để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong hội nhập và phát triển đất nước.
Theo định hướng chung của Ủy ban Dân tộc, tỉnh Ninh Bình lấy chủ đề của Đại hội lần thứ IV là: “CÁC DÂN TỘC ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, PHÁT HUY LỢI THẾ, TIỀM NĂNG, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”. So với chủ đề Đại hội lần thứ III năm 2019, chủ đề Đại hội lần này quan tâm đến nội dung đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng của mỗi dân tộc, địa phương. Và chủ đề này cũng rất phù hợp với mục tiêu chung của Ninh Bình đang hướng tới, đó là: đến năm 2035 Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 30.561 người dân tộc thiểu số đang sinh sống (chiếm khoảng 3,0% dân số toàn tỉnh), trong đó: dân tộc Mường 29.565 người, dân tộc Tày 286 người, dân tộc Thái 227 người, dân tộc Nùng 161 người, dân tộc Dao 39 người và đồng bào các dân tộc khác có 283 người. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống vừa tập trung, vừa xen kẽ, chủ yếu ở các thôn, bản thuộc 07 xã (Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương, Thạch Bình), 04 thôn (thôn 4, thôn 5, xã Phú Sơn; thôn Đức Thành, thôn Hồng Quang, xã Xích Thổ) của huyện Nho Quan và thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn thuộc thành phố Tam Điệp; Địa hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và sản xuất chủ yếu là vùng đồi núi bán sơn địa, điều kiện khí hậu phù hợp với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nghề rừng và chăn nuôi trang trại, gia trại. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với quê hương, không du canh, du cư và ít có sự chuyển dịch lao động.
Không chỉ là ngày hội của đồng bào các dân tộc thiểu số, mà Đại hội còn là sự kiện chính trị của tỉnh có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt khi Đại hội được tổ chức trong không khí Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện lịch sử của đất nước và của tỉnh: Kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024), kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959 - 2024).
Đại hội sẽ được tổ chức trong 02 ngày, dự kiến từ ngày 17-18/10/2024, tại Hội trường UBND huyện Nho Quan. Đại hội lần này sẽ có khoảng 250 đại biểu tham dự, trong đó có 143 đại biểu, được chọn cử từ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh./.
Huy Hoàng
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?