Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Cúc Phương tích cực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mường

Chủ nhật, 20/11/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch, trong những năm qua, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan đã có đạt được nhiều kết quả trong việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào dân tộc Mường nơi đây.

Xã Cúc Phương hiện có 916 hộ, với trên 3.500 nhân khẩu, trong đó 86% dân số là người dân tộc Mường. Đồng bào dân tộc nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Mường. 

Một buổi tập luyện của Đội chiêng thôn Nga 3, xã Cúc Phương (Nho Quan)

Trong những năm qua, xã Cúc Phương đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhân dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ gắn với hoạt động du lịch. Đến nay có trên 85% người dân tộc Mường toàn xã sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng; hơn 95% hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày, 10/10 thôn của xã Cúc Phương có đội văn nghệ, đặc biệt Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường được thành lập từ năm 2017 thường xuyên duy trì có hiệu quả. Hoạt động của các câu lạc bộ rất đa dạng như: Giao duyên, Rằng xường, Bọ mẹng, Mo Mường; văn hóa ẩm thực cỗ lá; các trò chơi dân gian đánh mảng, đẩy gậy, đi cà kheo...

Việc truyền dạy, sử dụng, phát triển tiếng nói, chữ viết riêng của dân tộc Mường được các già làng, trưởng bản tích cực ghi chép để truyền lại cho thế hệ trẻ và sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Từ năm 2017 đến nay, Cúc Phương tham gia trình diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của huyện Nho Quan tại Tuần lễ Cúc Phương Đại ngàn. Thông qua đó đã tạo điều kiện để nhân dân trong xã cùng nhau giao lưu, trao đổi học kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng với các dân tộc trong huyện. Đây là dịp để Cúc Phương quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Mường ở Cúc Phương nói riêng đến du khách trong và ngoài nước khi về thăm quan, trải nghiệm tại Cúc Phương.

Việc bảo tồn văn hóa dân tộc cũng được Cúc Phương đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trong giờ ngoại khóa như các trò chơi dân gian. Hát giao duyên tiếng Mường đã tổ chức lớp truyền dạy và thực hành cho lứa tuổi thanh thiếu niên (học sinh lớp 8, lớp 9) qua các buổi ngoại khóa. Hằng tháng, Câu lạc bộ mời nghệ nhân Bùi Thị Ân, Bùi Thị Tích trong xã đến hướng dẫn, truyền dạy các điệu hát, cách sử dụng đạo cụ, nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng cho các cháu học sinh để có thể biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Mường khi tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng tại xã, các hoạt động văn hóa, văn nghệ do huyện và tỉnh tổ chức.

Biểu diễn tiết mục đi cà kheo tại Lễ hội đường phố tại Festival -Tràng An kết nối di sản năm 2022

Các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội của đồng bào dân tộc Mường đã đi vào chiều sâu có sức lan tỏa, lay động du khách về với Cúc Phương… Phát huy lợi thế vốn của địa phương, Hội Phụ nữ xã Cúc Phương đã thành lập các đội, nhóm thường xuyên luyện tập các tiết mục văn hóa văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc Mường để biểu diễn tại các lễ hội và phục vụ khách du lịch.

Ngoài các giá trị văn hóa truyền thống, xã Cúc Phương còn có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phong phú, đa dạng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu nghỉ dưỡng Resort Vedana, Cúc Phương Resort, các homestay của người dân thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Những địa điểm này đã và đang thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng…

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?