Thấu hiểu với những mảnh đời bất hạnh, nhiều năm qua, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan đã đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, tạo sự lạc quan cho phụ nữ khuyết tật để họ vượt qua mặc cảm, hòa nhập cuộc sống. Nhờ vậy, nhiều người đã vượt lên số phận, khẳng định bản thân, phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Xưởng may Tổ hợp tác của Chị Đinh Thị Yến hiện tạo công ăn việc làm cho trên 10 phụ nữ khuyết tật và phụ nữ nghèo trên địa bàn xã Cúc Phương.
Bị khuyết tật từ nhỏ, đôi chân đi lại khó khăn, vất vả là thế nhưng chị Đinh Thị Yến, ở thôn Nga 2, xã Cúc Phương, không vì vậy mà đầu hàng số phận. Chị quyết tâm đi học nghề may với mong muốn có thể tự mình làm chủ cuộc sống. Năm 2017, nhận được hỗ trợ từ Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu” của tổ chức ActionAid tại Việt Nam, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, chị đã có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất mở một xưởng may nhỏ.
Chị Đinh Thị Yến chia sẻ: "Mới đầu mở xưởng gặp rất nhiều khó khăn, nhận được hỗ trợ từ Dự án, tôi cố gắng phấn đấu để làm kinh tế, giảm bớt gánh nặng cho gia đình…. Sau 3 năm xây dựng và vận hành, mô hình của gia đình tôi đã phát triển thành hợp tác xã, hiện nay đang tạo công ăn việc làm cho trên 10 phụ nữ khuyết tật và phụ nữ nghèo trên địa bàn."
Bản thân là người khuyết tật vận động, lớn lên trong sự mặc cảm tự ti, nhưng dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, chị Đinh Thị Tình, xóm 1, xã Cúc Phương, không bao giờ buông xuôi, phó mặc số phận. Năm 2019, được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã cùng chồng xây dựng chuồng trại nuôi lợn và mở cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Nhờ vậy, mà gia đình có cuộc sống ổn định hơn với nguồn thu nhập hàng năm từ 100-200 triệu đồng.
Chị Bùi Thị Kim Thu, Công chức Lao động,Thương binh và Xã hội xã Cúc Phương, huyện Nho Quan cho biết: Đồng hành với phụ nữ khuyết tật, những năm qua, Cúc Phương đặc biệt chú trọng tới việc giải quyết việc làm cho lao động khuyết tật thông qua các hoạt động đào tạo nghề từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới như: Quan tâm tạo điều kiện vay vốn, mở các lớp dạy nghề đan bèo bồng, nghề may cho chị em có công ăn việc làm, thăm hỏi động viên những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, giúp nhiều phụ nữ khuyết tật có cơ hội việc làm, tạo thu nhập một cách độc lập nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình.
Hơn tất cả, động lực để người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng vươn lên là sự cảm thông, sẻ chia, động viên của cộng đồng, những người xung quanh. Trong thời gian tới, với sự đồng hành, hỗ trợ của địa phương, tin tưởng rằng họ sẽ ngày càng tự tin, tự lập trong cuộc sống và có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội.
Thục Uyên (nbtv.vn)
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?