Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Ảnh: BBT
Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 11261-CV/VPTW ngày 09 tháng 9 năm 2024, tiếp theo chỉ đạo tại các buổi làm việc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số địa phương những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ nêu trên với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết.
Trước hết để trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng. Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 12/9/2024; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các quân khu và đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ,… cho người dân vùng còn bị chia cắt; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, trong đó ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động toàn ngành, toàn quốc hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đảm bảo giao thông an toàn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, chỉ đạo các tập đoàn viễn thông bảo đảm sóng cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho Nhân dân. Kịp thời hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật; kịp thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu. Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà. Thành phố Hà Nội, các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến trưa ngày 10/9/2024.
Ngày 10/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ. Chủ tịch UBND tỉnh điện: Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Đáy tại Ninh Bình đang lên. Mực nước lúc 07h sáng nay tại Bến Đế là 3,60m (trên mức BĐ2: 0,10m), sông Đáy tại Ninh Bình 2,98m (dưới BĐ2: 0,02m).
Dự báo trong 12-24 giờ tới: mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đang lên, đỉnh lũ có khả năng lên mức 4,30-4,50m, (trên BĐ3 từ: 0,30-0,50m); trên Sông Đáy tại Ninh Bình lên mức 3,80-4,00m (trên BĐ3 từ: 0,10-0,30m). Trên Sông Đáy tại Ninh Bình mực nước tiếp tục lên, khả năng đạt đỉnh thứ 2 vào trưa chiều nay, ở mức BĐ3.
Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm: mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn cục bộ, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng bãi ven sông, vùng trũng thấp trên địa bàn các xã thuộc huyện Nho Quan, Gia viễn, thành phố Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể; thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các tổ chức và người dân có hoạt động trên sông, ven sông, bãi sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc biết để chủ độngcác biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản. Nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện. Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút. Nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê.
- Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công dở dang theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có lũ.
- Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009
- Kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước trong khu đô thị, khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công trình đang thi công ảnh hưởng đến tiêu thoát nước; sẵn sàng phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
2. Các sở, ban, ngành:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra. Hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho lúa và hoa màu.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ tăng cường tuần tra, yêu cầu các chủ phương tiện tổ chức neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo hành lang thoát lũ, an toàn giao thông đường thuỷ trên các tuyến sông. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Sở Du lịch đảm bảo an toàn cho phương tiện, du khách và dân cư ở các khu, điểm du lịch.
- Sở Y tế phối hợp với địa phương xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm… do mưa, lũ gây ra.
- Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, sinh viên và an toàn trường, lớp học trong vùng lũ.
- Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh rà soát, thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và cho vùng hạ du. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
- Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đảm bảo an toàn, liên tục, kịp thời điện bơm tiêu úng, sản xuất và sinh hoạt.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, báo Ninh Bình, hệ thống đài truyền thanh các cấp tăng cường các thông tin về diễn biến của bão, mưa lớn, lũ, sạt lở đất, ngập úng đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó
- Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó với mưa lũ theo quy định.
3.Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh./.
BBT
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?