Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Cách chế biến và bảo quản thức ăn xanh cho trâu bò

Chủ nhật, 30/04/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thời tiết giá lạnh hoặc trong giai đoạn mùa khô, các hộ chăn nuôi gia súc thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn xanh đảm bảo chất lượng. Vì vậy, bà con cần chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho trâu bò bằng cách dự trữ và bảo quản thức ăn xanh.

Mục đích của việc chế biến thức ăn xanh là cải thiện thành phần dinh dưỡng, tăng lượng ăn vào, tăng khả năng tiêu hóa hấp thu, giảm ảnh hưởng của độc tố (đặc biệt là thức ăn họ đậu), dự trữ được nguồn thức ăn cho gia súc khắc phục tính thời vụ đảm bảo đáp ứng đủ và đều thức ăn cho gia súc quanh năm.

 Triển khai mô hình phát triển đồng cỏ chăn nuôi bò tại huyện Ea Kar. Ảnh internet

Các phương pháp bảo quản thức ăn xanh gồm:

°Phương pháp làm khô: Là phương pháp truyền thống chế biến dự trữ thức ăn sử dụng nhiệt năng để làm thoát hơi nước giảm độ ẩm của thức ăn thấp (10 - 13%) kìm hãm sự hoạt động của các enzym trong tế bào thực vật và sự phân hủy của vi sinh vật. Phương pháp này rẻ tiền, thuận lợi cho việc vận chuyển cũng như nghiền nhỏ và dễ dàng phối chế. Nếu làm khô bằng năng lượng mặt trời thì phụ thuộc vào thời tiết, mặt khác dưới tác động của nhiệt độ thì các chất dinh dưỡng bị tổn thất lớn, giảm tỷ lệ tiêu hóa các chất hữu cơ. Nếu làm khô bằng phương pháp sấy thì giá thành cao, khó thực hiện ở quy mô sản xuất lớn.

°Phương pháp ủ chua thức ăn xanh: Là quá trình lên men trong điều kiện yếm khí để ức chế các hoạt động của vi khuẩn nhờ đó thức ăn được bảo quản không hư hỏng. Thức ăn ủ chua ngoài cung cấp năng lượng còn cung cấp cho gia súc các vitamin và khoáng chất. Vấn đề ủ chua là cần thiết để dự trữ thức ăn thô xanh nhằm điều hòa lượng thức ăn trong các mùa vụ, thời tiết bất lợi. Phương pháp này có giá thành rẻ, không đòi hỏi nhiều thiết bị tốn kém, ít hao hụt chất dinh dưỡng, dễ áp dụng, nâng cao tỷ lệ tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, kỹ thuật ủ chua thức ăn phải thực hiện đúng quy trình để không bị hư hỏng.
 

Nghiền cỏ trước khi ủ. Ảnh internet

Bà con cần chú ý: Nguyên liệu ủ chua phải được thái nhỏ và khô ráo. Sau đó cho lần lượt vào hố ủ (có lót túi ni lông) theo từng lớp dày 15 - 20 cm rồi dùng chân nén chặt, đó là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng thức ăn ủ. Sau khi hố ủ đã đầy cần buộc chặt miệng túi. Sau khi ủ 2 tháng có thể sử dụng thức ăn ủ chua cho gia súc song cần lưu ý sau khi lấy thức ăn ủ cần phải che đậy kín để bảo quản thức ăn trong hố ủ. Thức ăn ủ chua có chất lượng tốt thường có màu vàng nâu, không bị thối nhũn, có mùi thơm đặc trưng của axit lactic. Nếu thức ăn ủ chua có màu sẫm đen, nhũn nát có mùi khó chịu của axit butyric… tức là chất lượng thức ăn ủ kém.

Thực hiện canh tác, thu hoạch, bảo quản dự trữ hữu hiệu các nguồn thức ăn xanh cho gia súc, đồng thời bà con nông dân cần phải biết quản lý và sử dụng đúng cách bởi đây là nhân tố quyết định đến hiệu quả chăn nuôi.

Thành Trung (t/h) 

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?