Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Bảo tồn văn hoá bản địa, du lịch miền núi Quảng Nam hứa hẹn hút khách quốc tế

Thứ hai, 27/06/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Tỉnh Quảng Nam là nơi được đông đảo du khách trong và ngoài nước chọn là điểm đến từ khi Chính phủ mở cửa toàn bộ các hoạt động du lịch, địa phương này đã giới thiệu hàng loạt sản phẩm du lịch xanh gắn với bảo tồn văn hóa bản địa khu vực miền núi phía Tây.

Nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam.

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen và xu hướng đi du lịch của du khách. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành du lịch làm mới bằng những sản phẩm phù hợp. Tỉnh Quảng Nam là nơi được đông đảo du khách trong và ngoài nước chọn là điểm đến từ khi Chính phủ mở cửa toàn bộ các hoạt động du lịch, địa phương này đã giới thiệu hàng loạt sản phẩm du lịch xanh gắn với bảo tồn văn hóa bản địa khu vực miền núi phía Tây.

Từ giữa tháng 3 vừa qua, khi Việt Nam nối lại các đường bay quốc tế và mở cửa toàn bộ các hoạt động du lịch, tỉnh Quảng Nam đã đón hàng ngàn lượt khách quốc tế. Sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, bà Debbie Baker khách du lịch Hoa Kỳ mới có dịp quay lại Việt Nam. Bà chọn huyện miền núi cao biên giới Đông Giang, tỉnh Quảng Nam là điểm dừng chân. Bà Debbie Baker chia sẻ, các sản phẩm du lịch xanh, du lịch trải nghiệm rất được yêu thích vào thời điểm này: "Tôi rất hài lòng khi đến Việt Nam, tôi yêu Việt Nam và con người tại đây. Những ngày ở đây là thời gian thật tuyệt vời với tôi, nhất là khi được trải nghiệm lễ hội văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thiên nhiên xinh đẹp. Đồng bào nơi đây rất thân thiện, mến khách. Tôi rất thích ẩm thực của đồng bào nơi đây".

Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mỗi năm các huyện miền núi cao tỉnh Quảng Nam như Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang… đón hàng trăm ngàn lượt khách. Nhiều điểm đến được du khách trong và ngoài nước biết tới như Đỉnh Quế, rừng cây di sản Pơ Mu, Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng…

Nhiều lần đến huyện vùng cao Tây Giang, chị Lương Thị Hương, Trưởng Văn phòng Dự án tổ chức Children Of Việt Nam đã giới thiệu nhiều du khách quốc tế đến đây trải nghiệm các lễ hội đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Theo chị Lương Thị Hương, ngoài khí hậu mát mẻ, con người thân thiện thì hệ sinh thái rừng phong phú, được bảo tồn gần như nguyên vẹn tại Tây Giang là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái: "Điều tôi rất ấn tượng là người ta giữ gìn được cánh rừng Pơ Mu, họ đánh số thứ tự từng cây và giao cho người dân tự bảo quản. Ngoài ra, tôi cũng rất ấn tượng với lễ hội của người dân tại đây, điệu nhảy Tâng tung da dá rất cuốn hút du khách, tôi đã tham gia nhiều lần và chúng tôi đã hòa mình với họ trong điệu nhảy đó".

Sau hơn 2 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, miền núi tỉnh Quảng Nam chào đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên.

Nhiều năm qua, huyện Tây Giang đã đón các đoàn khách quốc tế tham gia các tour du lịch cộng đồng, trải nghiệm đời sống, văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Anh Pơloong Plênh, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tây Giang, là người kết nối, đưa ra ý tưởng độc đáo về du lịch trải nghiệm. Trong những lần đồng hành với du khách khám phá rừng cây di sản Pơ Mu, thanh niên Cơ Tu này khiến du khách quốc tế bất ngờ khi dùng ngôn ngữ tiếng Anh để giới thiệu về văn hóa của đồng bào mình. "Mình muốn những giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ được truyền tải đến mọi miền của Tổ quốc và đến với bạn bè năm châu bốn biển. Lúc đầu dẫn thì gặp rất nhiều trở ngại, bất đồng về ngôn ngữ, rồi văn hóa ẩm thực của họ rất khác của mình nhưng họ rất thích được vào tận vườn, được cầm cuốc để cuốc đất, trồng rau rồi tối về đốt lửa múa giao lưu với bà con", anh cho biết.

Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh Quảng Nam chủ trương mở rộng không gian du lịch, khai thác tiềm năng ở khu vực miền núi phía Tây với hệ sinh thái rừng đa dạng cùng văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đặc sắc. Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, du lịch khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam cần được đầu tư đúng mức để phát huy hết tiềm năng vốn có: "Chúng tôi mong muốn Trung ương và tỉnh Quảng Nam quan tâm đầu tư hơn về kết cấu hạ tầng, giúp việc đi lại thông suốt, có những đề án, chính sách phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Cần quan tâm đến các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để gìn giữ, bảo tồn và tiếp tục nhân rộng".

Trong định hướng phát triển tỉnh Quảng Nam, 5 năm tới, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển du lịch khu vực miền núi phía Tây. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, phát triển du lịch miền núi Quảng Nam không tách rời việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng và bảo tồn văn hóa bản địa. Nếu bảo tồn và phát triển đúng hướng, đây là những giá trị cốt lõi tạo nên diện mạo mới cho du lịch Quảng Nam thời gian đến. "Tiếp tục phát triển du lịch tại các địa bàn có khả năng khai thác về du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và nghỉ dưỡng. Du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi. Tất cả những loại hình du lịch lớn và nhỏ sẽ hòa quyện với nhau để tạo nên một sức hấp dẫn mới cho du lịch vùng Tây của tỉnh Quảng Nam", ông chia sẻ./.

Theo VOV

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?