Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Bảo tồn, nhân giống hai cây dược liệu quý ở Ninh Bình

Thứ bảy, 09/07/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Trên địa bàn huyện Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư và thành phố Tam Điệp có nhiều cây dược liệu bản địa quý hiếm như cây Tam phỏng và Kim ngân, Hương nhu, Cúc tần…Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, người dân khai thác tận thu một cách bừa bãi, triệt để nên nguồn cây dược liệu trong tự nhiên tại địa phương ngày càng cạn kiệt, có nguy cơ mất giống.


Hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình cây Kim ngân tại xóm 7 xã Gia Sinh (Gia Viễn).

Trước thực trạng này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã chọn lọc, giao nhiệm vụ và phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp Công nghệ cao (Viện Di truyền Nông nghiệp) thực hiện đề tài "Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen và phát triển sản xuất cây dược liệu Kim ngân và cây Tam phỏng tại tỉnh Ninh Bình".

Chủ nhiệm đề tài, thạc sỹ Phạm Thị Tươi cho hay, cùng với xu hướng phát triển của thế giới, sử dụng thuốc có nguồn gốc tự nhiên, thị trường dược của Việt Nam cũng bắt kịp với xu thế chung. Đã có nhiều công ty đông dược trong nước bắt đầu nghiên cứu phát triển thuốc từ cây dược liệu.

Riêng với Ninh Bình là vùng đất có nhiều núi đá, có cây xen kẽ, môi trường thích nghi của nhiều loài thảo dược quý hiếm, trong đó có cây Kim ngân và cây Tam phỏng. Trước đây, cây Kim ngân và cây Tam phỏng thường gặp mọc hoang khắp các vùng trung du miền núi và đồng bằng.

Để thực hiện đề tài, bắt đầu từ tháng 1/2017, nhóm tác giả tiến hành điều tra tình hình sản xuất và thu thập nguồn gen cây dược liệu Kim ngân và cây Tam phỏng tại 151 hộ dân thuộc tại xã Gia Sinh (Gia Viễn) và xã Sơn Hà (Nho Quan).

Đến tháng 2/2017, đề tài đã thu thập được 33.600 hom giống cây Kim ngân và 4 kg hạt giống cây Tam phỏng. Với mục tiêu bảo tồn 2 cây dược liệu này bằng phương pháp Insitu (bảo tồn tại chỗ), mô hình đã chọn xã Gia Sinh - vùng đất được xem là cái nôi trồng, chế biến dược liệu truyền thống từ xa xưa để triển khai đề tài.

Đại diện nhóm thực hiện đề tài cho biết thêm, chúng tôi chọn lựa cánh đồng thảo dược xóm 7 (xã Gia Sinh) để trồng thành vườn nhân giống cây Kim ngân quy mô 7.000 m2 và cây Tam phỏng quy mô 3.000 m2. Sau khi có cây giống, tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình trồng cây dược liệu thương phẩm, với 30.000 m2 trồng cây Kim ngân và 10.000 m2 trồng cây Tam phỏng.

Sang các năm 2018 và 2019, nhóm thực hiện đề tài đưa vào ươm 330.000 hom giống cây Kim ngân, thu được 270.000 cây giống, đạt tỷ lệ 82% yêu cầu kỹ thuật, với cây giống sinh trưởng tốt, bộ rễ, mầm khỏe, lá xanh và mượt, không nhiễm sâu bệnh hại, có 12 - 14 lá thật, chiều cao mầm đạt 10 - 15 cm.

Cũng cùng thời gian này, đề tài cũng xây dựng được 3.000m2 vườn nhân giống gốc cây Tam phỏng, bảo tồn được nguồn gen cây Tam phỏng và thu được 10,6 kg hạt giống để xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm cây Tam phỏng.

Đến nay, kết quả đã có 115.000 cây Tam phỏng giống khỏe, lá xanh, chiều cao cây đạt 10 - 15 cm, không nhiễm sâu bệnh hại.

Ông Nguyễn Duy Phương, Phó Giám đốc HTX Sinh Dược (xã Gia Sinh) chia sẻ: Đề tài đã chọn HTX chúng tôi để triển khai thực hiện trong gần 42 tháng, đến nay đã có kết quả khá tốt. Các xã viên (gần 40 người) của HTX được dự các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nhân giống, canh tác, thu hoạch và sơ chế cây dược liệu Kim ngân, Tam phỏng.

Trong đó, xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm cây dược liệu Kim ngân và Tam phỏng với quy mô 4 ha, thu được 12 - 16 tấn dược liệu. Trong 2 tháng tới, mô hình dự kiến tiếp tục thu được 3 - 4 tấn dược liệu. Sản phẩm từ mô hình được HTX Sinh Dược tiêu thụ, đưa vào sản xuất các sản phẩm thảo dược, như Trà An Thái, nước tắm bé, sản phẩm dưỡng da,.. đồng thời cung cấp dược liệu cho các nhà thuốc đông y. Cây Kim ngân cho thu hoạch sau khoảng 1 năm kể từ lúc trồng.

Tùy theo mục đích sử dụng mà thu hoạch hoa, thân, cành, lá hay tất cả. Theo đông y, Kim ngân có công dụng, như thanh nhiệt, tiêu khát, tiêu thũng, tán độc, khu phong, trừ thấp. Chủ trị ôn bệnh phát nhiệt, tiêu chảy, ghẻ lở, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, đau họng, bệnh sởi, giang mai, hắc lào, sưng viêm tuyến vú do tắc sữa, cảm cúm…

Còn cây Tam phỏng có rất nhiều tên gọi như Chùm phỏng, Tầm phong, Tầm phỏng, Xoan leo… nhiều nơi xem là loại cây cảnh rất đẹp, nhất là khi cây ra hoa và đậu quả, những chùm quả lung linh như những chiếc đèn lồng đu đưa trong gió. Tam phỏng cho sản phẩm (thu hái toàn cây) quanh năm, chủ yếu vào hè thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Dựa theo kinh nghiệm từ trong dân gian, cây Tam phỏng được sử dụng làm thang thuốc điều trị viêm nhiễm như: Viêm đường tiểu, viêm thận, mụn nhọt, mẩn ngứa ngoài da. Gần đây cây còn được dùng làm thuốc hạ đường huyết, hạ sốt, mát gan giải độc và bảo vệ chức năng gan.

Đề tài "Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen và phát triển sản xuất cây dược liệu Kim ngân và cây Tam phỏng tại tỉnh Ninh Bình" với mô hình thành công ở HTX Sinh Dược không chỉ góp phần bảo tồn, nhân các giống thảo dược quý hiếm bản địa mà còn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, cách sơ chế, bảo quản thành phẩm, nâng cao giá trị nguồn dược liệu, tạo việc làm, phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là gắn sản xuất nông nghiệp với các ngành y dược và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng tại địa phương như ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn.

Nguyễn Minh (baoninhbinh.org.vn)

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?