Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam- Nơi lưu giữ giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thứ năm, 16/06/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Tọa lạc ngay trung tâm TP. Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam là nơi bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc trên mảnh đất hình chữ S. Mỗi hiện vật ở đây chứa đựng ý nghĩa về đời sống tinh thần, phong tục tập quán để người đến tham quan, trải nghiệm hiểu hơn sự đa dạng, đặc sắc, từ đó thêm yêu những giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước mình.

Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam

Được xây dựng năm 1960, với chức năng nghiên cứu, giáo dục khoa học nhằm phát huy vốn di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, hơn nửa thế kỷ trôi qua, các cán bộ nhân viên Bảo tàng đã tiến hành hàng trăm cuộc nghiên cứu sưu tầm trên địa bàn cả nước. Bảo tàng có không gian gần 40 nghìn m2 bao gồm 5 phòng trưng bày trong nhà và 6 công trình trưng bày ngoài trời với gần 50.000 tài liệu, hiện vật giá trị về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Du khách đến đây sẽ trải qua các miền văn hóa từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng, trung du đến miền núi, biển đảo. Đó là hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình… của các dân tộc Việt, Mường, Thổ, Chứt; là ruộng bậc thang men theo dòng suối, làm nên bản làng với vài chục nóc nhà của các dân tộc vùng thung lũng cư trú ở các tỉnh, vùng Tây Bắc và Đông Bắc; là xiêm y rực rỡ, chợ phiên đông vui của các dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn, La Chí, Cờ Lao... ở vùng núi cao phía Bắc, thuộc các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái. Nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me với mầu đỏ đất bazan làm chủ đạo và hình ảnh nhà Rông làm biểu tượng; các dân tộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo với hình ảnh nhà dài và dấu ấn mẫu hệ đậm nét tạo ra chất văn hóa rất riêng của các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai, Chăm, Chu Ru…

Nhân viên Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam giới thiệu quy trình nhuộm vải của dân tộc Lô Lô

Ở các gian trưng bày, có thể cảm nhận những hoạt động văn hóa đặc trưng và đa dạng, những sinh hoạt đời thường mộc mạc, giản đơn đã có tự ngàn đời, được tích tụ, bồi đắp trong dòng chảy văn hóa theo thời gian và không gian. Chính sự kết hợp giữa công trình kiến trúc với không gian cảnh quan và các sinh hoạt văn hóa gắn với mỗi vùng miền đã hòa quyện tạo thành một không gian sinh thái giúp cho văn hóa của dân tộc trường tồn, giúp thế hệ sau hiểu được cội nguồn của lịch sử, của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Trong xu thế hội nhập, Bảo tàng tăng cường giới thiệu đến bè bạn quốc tế về bản sắc văn hóa Việt Nam qua các lễ hội văn hóa quốc tế tổ chức thời gian qua. Đó là lễ hội gắn với người nông dân, thợ thủ công, trí thức qua chiếc cày, khung dệt, trang giấy và không gian văn hóa dệt các quốc gia ASEAN cũng như các quốc gia thuộc lưu vực dòng chảy sông Mê Kông. Bảo tàng còn thường xuyên tổ chức hoạt động chuyên đề phục vụ công chúng đến tham quan; mời nghệ nhân truyền dạy các loại hình di sản văn hóa như: Cồng chiêng Bana; múa đội nước Chăm; nhạc Ngũ âm Khơ Me; múa Lâm Tơi (Khơ Me); múa Cầu mùa Khơ Mú; múa sạp Thái; múa Lăm vông (Lào); làm đèn lồng, đèn kéo quân; nặn tò he… giúp biểu diễn phục vụ du khách thường xuyên hơn.

Để những hiện vật của Bảo tàng mang sứ mệnh kết nối quá khứ với hiện tại, lưu truyền cho thế hệ sau hiểu hơn về văn hóa các dân tộc, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm theo chuyên đề gắn với hoạt động giáo dục trải nghiệm. Bên cạnh đó, việc định hình các tour tham quan tại đây là tiền đề để Bảo tàng kết nối với mọi đối tượng theo nghề nghiệp, theo lứa tuổi, theo nhóm, từ đó mở ra nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm như: Biểu diễn nghệ thuật; chiếu phim; trưng bày; cắm trại; tái hiện lịch sử; trải nghiệm văn hóa, văn nghệ dân gian; chụp ảnh, quay phim... đem đến cho du khách những hiểu biết đa chiều, đa dạng về văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam. Bảo tàng cũng thường xuyên mở rộng hợp tác quốc tế, phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa dân tộc trong cộng đồng ASEAN qua nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, trưng bày triển lãm...


Biểu diễn múa cồng chiêng tại khu trưng bày “Không gian văn hóa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên”

Nhờ liên tục đổi mới trong hoạt động, Bảo tàng đã thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Trung bình, mỗi năm Bảo tàng đón khoảng 180 nghìn lượt khách.

Sự kết hợp giữa tĩnh và động, giữa truyền thống với đương đại, quá khứ và tương lai đã làm nên một Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam gắn kết với đời sống và trở thành địa chỉ để lắng đọng, suy ngẫm cho mỗi du khách khi đến với Thái Nguyên.

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?