Thứ Tư, 30/10/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Bắc Kạn bảo tồn và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Thứ tư, 26/01/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

25 năm sau ngày tái lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và bộ máy chính quyền các cấp đối với công tác văn hóa, hoạt động gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh từng bước được thực hiện có hiệu quả, góp phần vào xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Nghi lễ Quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Xác định bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa, vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, đến nay, Bắc Kạn đã kiểm kê được 152 di tích, trong đó có 58 di tích đã được xếp hạng gồm 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 7 di tích Quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn như: ATK Chợ Đồn, chùa Thạch Long, đền Thắm; đồn Phủ Thông; đền An Mã..., góp phần thúc đẩy du lịch, giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, hiện nay, toàn tỉnh có gần 300 di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số được kiểm kê, phân loại thuộc 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, Bắc Kạn đã xây dựng 20 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Kết quả có 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh sách.

Công tác vun đắp, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân cũng được quan tâm kịp thời. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 3 đợt xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các nghệ nhân hoàn thiện hồ sơ xét tặng, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều nghệ nhân biết và tham gia. Đến nay, tỉnh có 7 nghệ nhân được truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Các nghệ nhân luôn gắn bó cuộc sống của Nhân dân, phát huy vai trò là những báu vật sống của văn hóa - nghệ thuật dân tộc, trao truyền nhiều tri thức dân gian, di sản văn hóa cho các thế hệ trẻ.


Ông Lý Hồng Quân, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm nỗ lực truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật múa khèncủa người Mông

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, người dân trong tỉnh đã tiếp thu những nét văn hóa mới nhưng bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được duy trì trong đời sống hiện đại. Toàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông như: Mô hình CLB hát then đàn tính người cao tuổi thị trấn Yến Lạc: CLB then Sắc Chàm, mô hình CLB hát then đàn tính các huyện Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn, thành phố Bắc Kạn; CLB hát Sli, CLB hát Lượn cọi, CLB khèn Mông... Các nghệ nhân, CLB tích cực tham gia biểu diễn, diễn xướng di sản trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương, các lễ hội xuân, hội lồng tồng, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần làm cho di sản văn hóa được duy trì và phát triển song hành cùng với đời sống xã hội của tỉnh.

Cùng với cả nước, từ năm 2000, Bắc Kạn triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua hơn 20 năm, Phong trào đã trở thành cuộc vận động lớn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo sự chuyển biến vững chắc trong xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy các các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đã được củng cố, đầu tư. Tỉnh Bắc Kạn có 4 thiết chế văn hóa trực thuộc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch quản lý; 8/8 huyện, thành phố thành lập được Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông; 31 xã có nhà văn hóa; trên 1.200 thôn, tổ có nhà văn hóa, đạt 92%. Thực hiện phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, đã có trên 885.000 lượt hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” được triển khai, thực hiện đồng bộ, sâu rộng; kết quả đã có trên 7.600 lượt khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, trên 9.900 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”.

Trong giai đoạn 2000 - 2020, toàn tỉnh tổ chức gần 5.000 chương trình giao lưu văn nghệ quần chúng tại cơ sở; tổ chức trên 150 sự kiện cấp toàn quốc, cấp khu vực, cấp tỉnh; 50 lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức hằng năm. Bên cạnh thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, các loại hình văn hóa, nghệ thuật của tỉnh như: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu biểu diễn, Điện ảnh... cũng được quan tâm và đạt được nhiều thành tựu. Tiêu biểu là trong lĩnh vực mỹ thuật, Bắc Kạn ngày càng khẳng định chỗ đứng trong làng mỹ thuật cả nước khi đã đạt được những giải cao nhất tại Triển lãm mỹ thuật khu vực Tây Bắc - Việt Bắc với tác phẩm "Trăng Kim Hỷ" của họa sĩ Trần Giang Nam, "Bình minh trên vùng cao" của họa sĩ Trương Mạnh Sáng. Tất cả đều đã khai thác hiệu quả, ấn tượng chất liệu văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Bắc Kạn.

Trong lĩnh vực văn học xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh và lưu giữ những nét văn hóa, đời sống tình cảm của con người Bắc Kạn. Nhiều cuốn sách văn học địa phương, cuốn sách song ngữ Tày - Việt, Dao - Việt được xuất bản, làm phong phú hơn đời sống văn học của tỉnh và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Lĩnh vực sân khấu biểu diễn luôn gắn với khai thác các chất liệu dân ca dân vũ, bản sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Chất lượng các chương trình nghệ thuật ngày càng được nâng cao.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Trường, trong 25 năm qua, Bắc Kạn đã tạo dựng được những đặc trưng riêng và nhiều giá trị văn hóa đáng quý đóng góp vào vườn hoa muôn sắc của nền văn hóa cả nước. Phát huy những kết quả đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2020 - 2030. Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2030; Dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn...; quan tâm thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di tích, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đề nghị công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia./.

Bài viết khác
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?