Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

100 số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ năm, 10/10/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sau gần 14 năm nỗ lực, phấn đấu xây dựng nông thôn mới, được các cấp ủy đảng chính quyền, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và được nhân dân nhiệt tình, đồng lòng ủng hộ. Đến nay, tỉnh Ninh Bình có 08/08 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 100%); 01/06 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 16,67%); 119/119 xã (tỷ lệ 100%) đạt chuẩn nông thôn mới; 50/119 xã (tỷ lệ 42%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 18/119 xã (tỷ lệ 15%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 599/1.355 thôn, xóm, bản (tỷ lệ 44%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Chương trình OCOP luôn được quan tâm, đẩy mạnh triển khai thực hiện: Đến nay, tỉnh Ninh Bình lũy kế có 186 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên của 109 chủ thể, gồm 69 sản phẩm 4 sao và 117 sản phẩm 3 sao.

Sản phẩm trà hoa vàng Cúc Phương. Ảnh Tiến Quang

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 07 xã thuộc huyện Nho Quan thuộc xã Khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, gồm các xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương. Đến nay, 07/07 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có 02/07 xã (đạt tỷ lệ hơn 28%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Cúc Phương, xã Văn Phương), 01 xã (Quảng Lạc) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024; có 09/89 thôn, xóm, bản (đạt tỷ lệ 10%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 08 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, gồm 02 sản phẩm 4 sao và 06 sản phẩm 3 sao.

Để xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới và tiến tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác,… Trong năm 2022, đã triển khai tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện hỗ trợ trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh gồm đường giao thông; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; trường, lớp học đạt chuẩn; các công trình thủy lợi kênh mương nhỏ; các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật. Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế xã bảo đảm đạt chuẩn công trình… Hỗ trợ cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong đó, tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm cải tạo 03 chợ.

Bên cạnh đó, các dự án về phát triển giáo dục; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cũng được thực hiện đồng thời, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhìn chung, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục là phong trào sôi nổi trên toàn tỉnh, trở thành nhu cầu, mong muốn của cộng đồng dân cư. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực, trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống người dân; công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn ngày càng được thực hiện tốt hơn, nhất là việc hầu hết các xã, thôn đã triển khai phân loại rác tại hộ gia đình; từng bước thực hiện xử lý nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình và trong Khu dân cư.

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Chương trình, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về hiệu quả của Chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyên đổi số trong công tác truyền thông. Đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, các hoạt động, nội dung hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn phát triển mới./.

Tiến Quang

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?