Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình

Hiệu quả từ những mô hình thu gom rác nhựa trên biển Việt Nam

Thứ hai, 22/08/2022

Trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030”. Nhiều mô hình trong các hoạt động này đã đạt được hiệu quả cao, thu gom được lượng lớn rác thải, xây dựng được mạng lưới duy trì hoạt động ý nghĩa này.

Đại dương của chúng ta đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nhiêm trọng từ rác thải nhựa. Theo báo cáo từ chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2021 cho thấy, rác thải nhựa có nguồn gốc từ hoạt động thủy sản chiếm một khối lượng lớn trong tổng số rác thải nhựa trên các bãi biển. Các loại nhựa thủy sản như phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ, phao nhựa, dây câu chiếm 47% về số lượng và 46% về khối lượng rác thải nhựa. Do đó, thu gom rác thải nhựa trên biển đang là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đứng trước thực trạng này, nhiều mô hình thu gom rác thải nhựa đại dương đã được thực hiện từ dự án, mà một trong những mô hình thí điểm đã triển khai thành công tại Phú Quốc với nguồn lực hỗ trợ từ Dự án là mô hình “Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương” do Phòng Kinh tế thành phố Phú Quốc phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại Khải Hoàn triển khai từ tháng 10 năm 2021 Mô hình  đã huy động sự tham gia của thuyền viên thuộc 26 tàu cá thực hành giảm rác thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt trên tàu và trong quá trình đánh bắt thủy sản, đồng thời thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên biển và ngư lưới cụ bị hỏng mang về xử lý tại bờ theo đúng quy định.

 Các tàu cá tham gia mô hình sẽ thực hiện 4 bước: Ký cam kết thực hiện hành động giảm rác nhựa; Nhận dụng cụ, bao lưới từ Dự án để thu gom và lưu trữ rác thải nhựa trên tàu; Tuyên truyền tới thuyền viên trên tàu; Thực hiện cam kết phân loại rác trên tàu và mang rác về bờ. Qua thời gian triển khai, chỉ trong vòng 6 tháng, trung bình mỗi tàu cá mang về bờ khoảng từ 160 kg đến 210 kg rác thải sau một chuyến đi biển; trong đó có khoảng 20% là rác có thể tái chế (chai nhựa, lon bia), còn lại 80% là rác khó tái chế hơn (bao muối, bao gói thực phẩm). Tính đến tháng 6 năm 2022, tổng lượng rác thải đoàn tàu cá của Công ty Khải Hoàn đã mang về bờ là khoảng 10.6 tấn.

Một điểm sáng khác là mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá tại thành phố Đà Nẵng thực hiện phụ lục V công ước MARPOL. Từ cuối năm 2021, với sự chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã triển khai mô hình thí điểm với tập hợp các giải pháp được triển khai đồng bộ với 25 tàu có chiều dài trên 12m với sự hỗ trợ từ Dự án. Trong đó các hoạt động tập huấn, hướng dẫn ngư dân và thuyền viên ghi chép số liệu theo biểu mẫu, thực hiện mang rác thải vô cơ về bờ sau các chuyến biển, v.v. Rác thải do các tàu cá mang về bờ chủ yếu là rác tài nguyên gồm chai nhựa, bao ni lông, vỏ lon nhôm, v.v, với số lượng khoảng 3-5 kg/ chuyến biển, chiếm khoảng 70% lượng sản phẩm có phát sinh rác thải khi mang đi biển. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện ký cam kết về việc giao nộp rác thải đối với 1.075 tàu và thu gom được 1.396,72 kg từ 4.655 tàu.

Tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Dự án cũng hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm thu gom rác thải từ biển vào bờ từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022. Mô hình được phối hợp triển khai bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và môi trường bền vững và Hội phụ nữ xã Bảo Ninh. Ước tính trong thời gian thực hiện mô hình, 100 tàu cá tham gia đã thu gom được khoảng 22.500 lon, chai nhựa các loại và khoảng 150 - 160kg túi ni-lon. Số lon, chai nhựa được các tổ, chi hội phụ nữ các thôn thu gom sau các chuyến tàu đi biển về bán phế liệu xây dựng quỹ tình thương hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ nghèo trong xã Bảo Ninh. Bên cạnh đó, từ sáng kiến“Biến rác thành tiền” các chi hội đã thu được 25 triệu đồng để thăm và trao tặng 29 suất quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngư dân gặp nạn trên biển; hỗ trợ cho 1 trẻ mồ côi trong thời gian 3 năm hay phân công đón thuyền thu gom để tái chế, bán phế liệu xây dựng Quỹ “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”.

Sự thành công từ các mô hình này mang tính khích lệ, động viên lớn để các đơn vị khác có thực hành phù hợp, từng bước nhỏ sẽ góp phần thay đổi bức tranh lớn, thay đổi hẳn hình ảnh của địa phương. Không chỉ Phú Quốc, Đà Nẵng, Đồng Hới mà các địa phương khác cũng mang được những ý tưởng này về ứng dụng với địa phương của mình, đưa địa phương trở thành nơi xanh, sạch, sáng, an toàn, là điểm đến thu hút khách du lịch.

Minh Thư

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập
4328425

Trực tuyến: 73

Hôm nay: 7530

Hôm qua: 7918