Thứ sáu, 27/09/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Đề xuất cơ chế khuyến khích ngư dân thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thuỷ sản

Thứ hai, 03/04/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều ngày 28/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích ngư dân thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thuỷ sản”. Hội thảo do Tổng cục Thuỷ sản, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, WWF Việt Nam đồng phối hợp tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: TL

Tham dự sẽ có: Đại diện Tổng cục Thủy sản, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Pháp chế; các Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, một số Viện nghiên cứu thuộc Bộ, cơ quản quản lý có liên quan… thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan của 28 tỉnh thành phố ven biển trực thuộc Trung ương: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Tài nguyên và Môi trường, chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá, ngư dân… Đại diện một số tổ chức, đơn vị: Hội, Hiệp hội; tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam (WWF, IUCN, IDH, GIZ, UNDP, Greenhub, MRC, MCD, Expertise France…); trường Đại học, Học viện, trường Cao đẳng; Doanh nghiệp về thủy sản…; tổ chức, cá nhân, chuyên gia có liên quan; các cơ quan, tổ chức truyền thông,…

Thu gom rác thải nhựa trên biển đang là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong những đối tượng được nhắm tới của các chiến dịch này là ngư dân. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, được phê duyệt và triển khai từ năm 2010 tại 10 khu vực và 9 tỉnh/thành phố đã thực hiện yêu cầu đặt ra và đạt được những kết quả ban đầu.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: “Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã và đang là một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường và chất lượng sống của con người. Việt Nam chúng ta cùng với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới đang nỗ lực trong các tiến trình giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương”.

Bà Phạm Thu Hằng chia sẻ, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã thu được những kết quả quan trọng, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa,... góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển. Đây cũng chính là hiệu quả có được từ việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Theo Bà Phạm Thu Hằng, tiếp nối các kết quả đã đạt được, dự án đã phối hợp với Tổng cục Thủy Sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản với với các hoạt động rà soát cơ chế, chính sách, mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa trên thế giới và Việt Nam.

Dự án cũng thực hiện khảo sát đánh giá hiện trạng rác thải nhựa của các tàu khai thác thủy sản, công tác thu mua rác thải nhựa từ các nguồn thu gom khác nhau như ve chai, các cơ sở thu mua phế liệu, khả năng tái chế cũng như công tác quản lý tại các ban quản lý cảng cá. Trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế phù hợp để quản lý tốt hơn nữa rác thải nhựa từ các hoạt động khai thác thủy sản.

Tại Hội thảo, báo cáo về thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thuỷ sản, ông Nguyễn Quốc Tĩnh, chuyên gia nhóm nghiên cứu dự án cho biết, ngư dân đã có hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và đối với nguồn lợi thủy sản. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai các cơ chế khuyến khích ngư dân tham gia và các hoạt động thu gom, xử lý rác thải nhựa. Theo ông Nguyễn Quốc Tĩnh, dự án đã kêu gọi được sự sẵn lòng tham gia của người dân vào hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải nhựa vào bờ để xử lý.
“Sự sẵn lòng tham gia được thể hiện qua tỷ lệ người tham gia và mức đóng góp chi phí tiếp nhận, xử lý rác thải nhựa của tàu cá mang về bờ với mức bình quân 39.380 đồng/tháng/tàu, cao hơn nhiều lần mức chi phí xử lý lượng rác thải nhựa không có khả năng tái chế là 2.063 đồng/tháng/tàu. Mức đóng góp này có thể sử dụng làm mức giá dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa tại cảng cá” - ông Nguyễn Quốc Tĩnh cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Tĩnh cho biết thêm, đến năm thứ 2, xây dựng và công bố mức giá trực tiếp hoặc gián tiếp đối với từng loại tàu và mức giá trực tiếp phát sinh theo khối lượng đối với từng loại rác thải nhựa được cảng tiếp nhận, thu gom và xử lý theo quy định. Các năm tiếp theo có thể được điều chỉnh thông qua điều kiện cụ thể khi triển khai dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa cụ thể tại từng cảng.

“Ngoài ra, hoạt động thu mua phế liệu đã khuyến khích ngư dân thu gom, vận chuyển thải nhựa về bờ. Nói cách khác, người thu mua ve chai là thị trường tiêu thụ không chỉ thải nhựa có khả năng tái chế mà còn nhiều loại rác thải khác. Vì vậy, nếu có cơ chế hỗ trợ người thu mua ve chai thu mua rác thải nhựa không có khả năng tái chế kết hợp với các quy định chế tài, quản lý thải nhựa” - ông Nguyễn Quốc Tĩnh nhấn mạnh.

Tham gia góp ý xây dựng cơ chế thu gom rác thải nhựa đại dương, ông Nguyễn Long, chuyên gia tư vấn cho rằng, cần tổ chức đội thu mua ngay tại cầu cảng để làm khâu thu gom. “Người nông dân mang được rác lên đến bờ đã là đáng quý. Sau một chuyến đi biển họ rất vất vả, việc mang rác đến nơi thu gom ở xa là không thực tế” - ông Long cho hay.

Kiến nghị thêm về dự thảo của đề án, ông Nguyễn Long cho rằng cần đề cập thêm một loại rác thải nữa vào danh sách thống kê, đó là rác từ đáy biển lên. Đây mới là loại rác đáng lưu tâm, gây ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái và môi trường biển.

Ở một số địa phương đang có chính sách thu mua rác từ biển lên với giá 2.000 đồng/cân nhằm hỗ trợ cho người ngư dân, điều này trực tiếp sẽ giúp cải tạo sinh cảnh vùng đáy biển. Ông Long cho rằng cần phải có cơ chế hỗ trợ ngư dân bằng việc tổ chức đội thu mua ngay tại cầu cảng, cân tất cả rác tái chế và không tái chế. Ngoài ra, ông Long cũng đề xuất phương án sử dụng túi mềm cho thu mua rác thay vì sử dụng thùng cứng

Theo Bà Nguyễn Diệu Thúy, Giám đốc chương trình giảm rác nhựa, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF Việt Nam cho biết, dự án đã cùng Tổng cục Thủy sản có các nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa, để triển khai các hoạt động truyền thông, nghiên cứu, làm tiền đề cho các cơ chế quản lý rác thải nhựa ngành thủy sản.

“Dự án đang cùng Tổng cục Thủy sản nghiên cứu cơ chế thu gom rác thải nhựa thủy sản để khuyến khích tất cả tàu thuyền cả nước tham gia. Ngư cụ khi bị bỏ lại trên biển, không chỉ là rác thải mà còn được coi là ‘ngư cụ ma’ vô tình tiếp tục giết hại các sinh vật biển. Do đó, cần các cơ chế thu gom, tái chế hoặc xử lý phù hợp”, bà Nguyễn Diệu Thúy cho biết.

Cũng theo kết quả dự án cho thấy, Ban quản lý cảng có có thể đóng vai trò đầu mối điều hành giám sát hoạt động thu gom, tiếp nhận, xử lý rác thải nhựa, bởi đây là đơn vị thường xuyên cập nhật và nắm chắc thông tin tàu thuyền ra vào cảng. Do đó, Ban quản lý cảng cá có chức năng giám sát, điều tiết và cung cấp các dịch vụ cảng cho tàu khai thác thủy sản; thông qua kết hợp với các doanh nghiệp trong thu gom, tái chế rác thải nhựa.

Thu Loan

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?