Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu, 24/06/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và được xem là yêu cầu khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Vậy làm thế nào để một vùng có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp như Đồng bằng sông Cửu Long không phải đứng ngoài xu thế đó. Câu trả lời đã được các chuyên gia nêu ra tại Hội thảo diễn ra ngày 24-6 tại TP Cần Thơ với chủ đề: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Thời gian qua, để thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với hệ thống các viện, trường, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạng lưới liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp. Ngoài ra, việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 cũng đã được đẩy mạnh phát triển trong thời gian qua thông qua việc áp dụng các mô hình được tạo ra từ thành quả của nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Cùng với đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư ngày càng nhiều hơn, chuyên sâu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Kết quả đã có nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; mô hình cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; mô hình cảm biến môi trường nuôi thủy sản...

 

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm, thiết bị khoa học công nghệ phục vụ cho nông nghiệp. 

Dù đã có những mô hình được áp dụng thành công, nhưng việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn là vấn đề khá mới so với hiểu biết và tập quán canh tác của nông dân cũng như các doanh nghiệp nên việc ứng dụng chưa được sâu rộng. 

Mô hình ứng dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh các chuyên gia đã chỉ ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp. Theo đó cần xác định việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Trong đó, chú trọng xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Đồng thời thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai…, để nông dân biết, tìm cách nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó là vai trò trọng yếu của Nhà nước trong việc định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp thực tiễn sản xuất, huy động được các nguồn lực trong xã hội phát triển đồng bộ, toàn diện nền nông nghiệp./.

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?