Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Đánh giá kết quả công tác phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng

Thứ ba, 16/08/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều 15/8, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022.

Đồng chí Tống Quang Thìn, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo. 

Quang cảnh hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá: Trong những tháng đầu năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, quan điểm rõ ràng, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện. Quan điểm “Đầu tư ít, hiệu quả cao” đã khẳng định được sự đúng đắn trong thực tiễn. Cụ thể: Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đến 100% cơ quan, đơn vị và sớm hoàn thành việc kết nối theo yêu cầu với các hệ thống của quốc gia; nền tảng chính quyền điện tử/chính quyền số đang được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt, đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, vào cuộc quyết liệt, qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả. 

Ninh Bình là 1 trong 3 tỉnh, thành phố trong cả nước sớm kết nối chính thức Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công của tỉnh tăng 112% so với cùng kỳ năm 2021; Hồ sơ trực tuyến tăng gấp hơn 5 lần, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Việc đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử/Chính quyền số, chuyển đổi số trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả. Năm 2021, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về kết quả chuyển đổi số, tăng 2 bậc so với năm 2020.

Hội nghị cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh, đồng thời thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong những tháng cuối năm để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo kế hoạch của UBND tỉnh. Trong đó cần tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, tuyên truyền, thay đổi nhận thức, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cần quan tâm xây dựng, phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số. Các nhiệm vụ, dự án trong xây dựng, phát triển chính quyền số phải gắn với các mục tiêu, yêu cầu cụ thể về nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiệu lực hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Phát triển kinh tế số phải gắn với mục tiêu, yêu cầu thúc đẩy giao dịch điện tử, thanh toán không tiền mặt, đẩy mạnh đưa sản phẩm hàng hóa đặc trưng lên sàn giao dịch điện tử. Phát triển xã hội số phải tập trung vào mục tiêu trước mắt là nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân, thúc đẩy người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt; tiếp cận, tham gia mua bán, tiếp thị trên các sàn thương mại điện tử phổ biến của Việt Nam.../.

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?