Thời gian qua, các xã trên địa bàn huyện Kim Sơn đã tích cực vào cuộc. Những thách thức về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đang từng bước được khắc phục, nhưng việc tạo ra những thay đổi trong nhận thức của người dân về chuyển đổi số đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các địa phương trong huyện.
Công dân thực hiện giao dịch thuận lợi ở bộ phận "một cửa" tại xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn.
Công cuộc chuyển đổi số ở xã Ân Hòa được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Hệ thống máy tính từng bước được nâng cấp, nguồn nhân lực cũng được đào tạo và tự học hỏi để bắt kịp với xu hướng chuyển động. Đến thời điểm này, nhiều dịch vụ đã được xã cập nhật lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến như: Đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký tạm trú tạm vắng...
Cán bộ bộ phận "một cửa" xã Ân Hòa hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Ông Phạm Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn cho biết: Thực hiện chuyển đổi số tại địa phương có nhiều dịch vụ thuận tiện và đã được liên thông giữa các ngành, tạo thuận lợi cho người dân khi giao dịch tại bộ phận "một cửa" các thủ tục hành chính như khi đăng ký khai sinh, sẽ đồng thời đăng ký thành công dịch vụ Bảo hiểm Y tế cho trẻ. Ngoài ra các dịch vụ như chữ ký số, thông tin văn bản qua hệ thống IOffice cũng đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho chính cán bộ xã.
Chuyển đổi số ở cấp xã mới bắt đầu và cũng đã thể hiện được những hiệu quả ưu việt. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân tiếp cận được và cùng đồng hành, cùng thực hiện đang là vấn đề chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Trên thực tế, số lượng người dân biết và thực hiện các dịch vụ công ở xã vẫn còn khá khiêm tốn, do trình độ không đồng đều, việc thực hiện các thao tác trên thiết bị thông minh còn hạn chế, bên cạnh đó tâm lý đến tận xã giải quyết thủ tục vẫn còn phổ biến.
Giao dịch tại bộ phận "một cửa" xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn.
Ông Phạm Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn nói: "Để người dân biết và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng sẽ cần phải có thêm thời gian. Tại xã hiện tại, để người dân có thể biết quy trình, thủ tục của các dịch vụ công, cán bộ xã hiện đang phải thực hiện 2 việc, vừa nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa đồng thời tuyên truyền cho người dân thực hiện các thủ tục qua mạng internet."
Chuyển đổi số cấp xã là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, xóa đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực và thực hiện đúng quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” theo định hướng của kế hoạch chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên chuyển đổi số cấp xã là một quá trình lâu dài để thay đổi từ tư duy, nhận thức của cả người dân và đội ngũ cán bộ, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả người dân và chính quyền, có như vậy công cuộc chuyển đổi số mới đạt được hiệu quả tối ưu./.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?