Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình 

Ninh Bình là một trong 3 tỉnh đầu tiên hoàn thành việc kết nối dữ liệu dân cư trong cả nước

Thứ tư, 01/06/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều ngày 31/5, tại Công an tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.


Các đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đồng chí thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc thực hiện Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gồm 13 nhiệm vụ chung, 25 dịch vụ công thiết yếu, 40 nhiệm vụ phối hợp với cơ quan trung ương và 5 nhóm tiện ích, bước đầu cung cấp một số dịch vụ công liên quan đến cư trú trên Cổng dịch vụ công, đơn giản một số thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian đi lại, chờ đợi của công dân, tiết kiệm chi phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ; tăng tính chính xác, phục vụ hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ. Đã thực hiện được 15/25 dịch vụ công thiết yếu.

Tính đến hết ngày 25/5, toàn tỉnh đã tiếp nhận giải quyết gần 25.000 hồ sơ thuộc các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử. Ninh Bình đã hoàn thành việc kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính (Ninh Bình là một trong 3 tỉnh đầu tiên hoàn thành việc kết nối trong cả nước).

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 còn những tồn tại, khó khăn như: Việc triển khai công tác tuyên truyền chưa tốt, dẫn đến nhận thức của cán bộ và nhân dân về các nội dung thuộc Đề án 06/CP còn hạn chế. 

Các quy định liên quan văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ, ngành chưa được điều chỉnh kịp thời gây khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia. 

Lực lượng cán bộ triển khai ở cấp tỉnh, huyện, xã còn mỏng, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, khối lượng công việc lớn dẫn đến công tác thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về đất đai còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đánh giá tình hình thực hiện Đề án 06 tại đơn vị mình, nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới để việc thực hiện Đề án 06 được tốt hơn.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc kết luận Hội nghị .

Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các đồng chí thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc; các cấp, ngành, địa phương cùng những kết quả đạt được trong chỉ đạo, triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đề nghị thời gian tới các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 11/03/2022 của UBND tỉnh về triển khai Đề án 06 gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 106/KH-BCĐ ngày 24/5/2022 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình theo đúng tiến độ đề ra. Phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên của cơ quan, đơn vị mình, không phải nhiệm vụ của riêng cơ quan nào. Khẩn trương hoàn thành dứt điểm, có hiệu quả việc triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án 06 và trong Kế hoạch số 46/KH-UBND của UBND tỉnh.

Tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất trang cấp bổ sung thiết bị phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến. Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã chọn lựa, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về năng lực chuyên môn làm công tác tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công trực tuyến  tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện các công việc được giao trong Đề án; tăng cường công tác tuyên truyền việc triển khai thực hiện Đề án, những tiện tích khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tạo sự đồng thuận, khuyến khích các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trước hết cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước phải gương mẫu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã kiểm tra thực trạng việc kết nối chia sẻ dữ liệu và số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh:

Các đại biểu kiểm tra kết nối dữ liệu tại Quầy Công an tỉnh.

Các đại biểu kiểm tra kết nối dữ liệu tại Sở Giáo dục và Đào tạo.

HT

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?