Sáng 24/10, tại Ninh Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình” (Vietnam Datafest – 2024). Tới dự có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình; đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Tống Quang Thìn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.
Cùng dự có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, diễn giả Trung ương; lãnh đạo HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã xác định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, dữ liệu được xác định là một tài nguyên của đất nước, là tư liệu sản xuất mới quan trọng. Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên số. Dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số là những từ khoá quan trọng trong phát triển giai đoạn tới, là cơ hội để chúng ta thay đổi, bứt phá, vượt khỏi giới hạn, mở rộng không gian phát triển. Thứ trưởng cũng gợi mở một số vấn đề để Ninh Bình cân nhắc chọn lựa những trọng tâm, trọng điểm về chuyển đổi số khi thực hiện như: Việc xây dựng thể chế để phân tách quyền sở hữu dữ liệu, định giá tài sản dữ liệu, phân chia lợi ích theo đóng gói; hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu mở; việc xây dựng và cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp để dữ liệu phát huy được tiềm năng, vai trò; nghiên cứu, phát triển tận dụng khả năng của AI; việc tận dụng tối đa chuyển đổi số để tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP bởi Ninh Bình có rất nhiều tài nguyên có thể số hóa, từ truyền thống lịch sử tới danh lam thắng cảnh, văn hóa truyền thống, sản vật địa phương. Tất cả có thể được số hóa đưa lên môi trường số, làm nguyên liệu để phát triển kinh tế số…
Tại Diễn đàn, Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã nêu những thế mạnh về kinh tế, du lịch và truyền thống văn hóa-lịch sử hàng nghìn năm của miền đất Cố đô. Lãnh đạo và nhân dân Ninh Bình nhận rõ thời cơ và thách thức trên con đường phát triển trong thời đại 4.0 và kỷ nguyên số, quyết tâm chuyển đổi số thành công, do vậy mong muốn nhận được sự hợp tác và giúp đỡ hiệu quả của Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các địa phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại Diễn đàn.
Đồng chí nhấn mạnh: Từ năm 2022, Ninh Bình đã vươn lên là tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết một phần về Trung ương. Tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện nhất quán, hiệu quả chiến lược theo hướng phát triển “xanh, bền vững và hài hòa”; lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp công nghệ cao là trụ cột của công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại; lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ. Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Bình được định hướng đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Đồng chí cũng cho biết: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là trụ cột cốt lõi cho định hướng chiến lược phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực chuyển đổi số. Vì vậy, để chuyển đổi số toàn diện ở Ninh Bình là thực sự cần thiết khi lựa chọn mô hình phát triển dựa trên nền tảng các ngành kinh tế mới nổi, dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, theo đó không chỉ thay đổi chuyển đổi số mà thay đổi căn bản phương thức sản xuất, quản trị xã hội…
Toàn cảnh Diễn đàn
Các đại biểu đã nghe chuyên gia trình bày hai chủ đề “Chiến lược dữ liệu cho phát triển AI và Thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình”, “Các tiến bộ của Công nghệ dữ liệu và Công nghệ số trong phát triển kinh tế số” với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy khai thác có hiệu quả dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, hiện thực hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia 2024 và các tham luận về chủ đề thúc đẩy triển khai chuyển đổi số ở các trụ cột đột phá của Ninh Bình, các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nhằm thúc đẩy kinh tế số tại địa phương, phát triển công nghiệp văn hoá (du lịch và di sản) dựa trên chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; cơ chế thu hút nguồn nhân lực tri thức cao cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Ninh Bình…
Trong đó, nổi bật là Báo cáo tổng quan chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2024 do đồng chí Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày đã cho thấy: Trong giai đoạn 2021-2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, đề ra các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và lộ trình cụ thể, đảm bảo thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đồng chí Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày Báo cáo tổng quan chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2024.
Nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; các ứng dụng, nền tảng số trọng yếu của tỉnh được xây dựng, khai thác, vận hành ổn định, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, được kết nối với các hệ thống thông tin của Bộ, ngành Trung ương.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được triển khai theo mô hình 4 lớp, được kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Các nhiệm vụ, mô hình của Đề án 06 đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, lộ trình đề ra.
Chỉ số CCHC năm 2023 của Ninh Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PCI xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 25 bậc so với năm 2022. Kết quả đến ngày 15/10/2024, Ninh Bình cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả 15 nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số. Đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 10/2023, tại địa chỉ https://data.ninhbinh.gov.vn; hiện tại đã công khai dữ liệu mở cho 11 lĩnh vực..., ghi nhận 49.826 lượt truy cập với trên 1.500 dữ liệu đã được chia sẻ.
Có thể nói, chuyển đổi số không chỉ tạo ra những thay đổi trong cách thức quản lý mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế số, giúp Ninh Bình trở thành một điểm sáng trong hệ sinh thái kinh tế số toàn quốc, kết quả của Diễn đàn thông qua các tham luận tại hai phiên chuyên đề sẽ góp phần để tỉnh Ninh Bình cùng với cả nước thực hiện thành công chuyển đổi số như sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình vượt bậc của dân tộc Việt Nam”.
Thu Thảo
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?